Nguồn: Bộ Y tế | 30/06/2024

Zona thần kinh: Những thông tin nên biết

Zona thần kinh là một trong những loại bệnh về da thường gặp. Bệnh do một loại virus thần kinh gây nên, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể với các triệu chứng đặc trưng.

Bệnh Zona thần kinh là bệnh gì?

Bệnh zona hay herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da với biểu hiện là các ban đỏ, mụn nước, bọng nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Bệnh do sự tái hoạt động của virus Varicella zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống.

Varicella Zoster (VZV) là một loại virus thuộc chi Varicellovirus trong phân họ Alphaherpesvirinae của họ Herpesviridae, cũng là nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu. Chính vì thế những người vô tình nhiễm phải virus VZV lần đầu sẽ có biểu hiện bệnh thủy đậu. Sau khi người bệnh khỏi, virus này tồn tại ở các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống rất lâu, có thể trong nhiều tháng, thậm chí lên đến hàng chục năm. Chúng lợi dụng điều kiện thuận lợi (các yếu tố khởi động) như khi cơ thể suy nhược, suy giảm hệ miễn dịch (suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, người dùng thuốc ức chế miền dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường), bệnh tạo keo (đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ), stress, ung thư,... để tái hoạt động. Chúng nhân lên và phát triển lan ra các đầu dây thần kinh cảm giác, truyền đến da, làm tổn thương niêm mạc từ đó gây nên bệnh zona. Thế nên zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh.

Virus Varicella Zoster (VZV) - virus gây bệnh Zona thần kinh

Zona thần kinh có thể kéo dài nhiều năm và thường dễ xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu như người mắc các bệnh truyền nhiễm, người bị HIV/AIDS, ung thư, trẻ em, người cao tuổi,...

Theo thống kê của Khoa Bệnh do virus, Trung tâm Tiêm chủng và Bệnh hô hấp Quốc gia: Bệnh Zona thần kinh chỉ xảy ra ở những người đã từng bị thủy đậu và có trên 10% bệnh nhân đã từng bị thủy đậu lúc nhỏ sẽ mắc phải Zona thần kinh khi về già.

Zona thần kinh và những triệu chứng thường gặp

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng.

1. Tiền triệu

Những người bị Zona thần kinh thường sẽ có những triệu chứng ban đầu như: sốt cao từ 38 - 39 độ C, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi, cơ thể đau nhức,... Bệnh khởi đầu với các cảm giác bất thường trên một vùng da như nóng rát, tê, châm chích nhất là về đêm; kèm theo đó là triệu chứng nhức đầu, khó chịu. Trường hợp hiếm gặp có thể gặp dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1 - 5 ngày. Đây được xem là thời kỳ virus lan truyền dọc dây thần kinh.

Những ngày sau đó sẽ lần lượt xuất hiện những triệu chứng đặc trưng.

2. Khởi phát

Khoảng nửa ngày đến một ngày sau triền triệu, trên những vùng da đó sẽ xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải, thành vệt. Đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh Zona thần kinh và thường xuất hiện trước khi phát ban. Cảm giác nóng, rát cũng ngày càng rõ kèm theo ngứa ngáy, dần dần vùng da đó sẽ nổi ban đỏ đau rát cùng với đó là cảm giác sốt nhẹ, đau nhức, sợ ánh sáng và khó chịu.

3. Toàn phát

Da xuất hiện nhiều mụn nước, chứa dịch

Vài ngày sau khởi phát, trên bề mặt da sẽ hình thành các vùng mụn nước nhỏ; chúng tập trung thành từng chùm như chùm nho. Vị trí thường chỉ ở một bên, không vượt quá đường giữa cơ thể và dọc theo đường phân bố của dây thần kinh ngoại biên. Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, gây đau nhức, nóng rát và dễ vỡ nếu như va chạm. Sau đó, dịch hóa đục, hóa mủ dần dần vỡ và đóng vảy tiết.

Trong một số trường hợp có thể để lại sẹo. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương đến khi lành sẹo vào khoảng từ 2 đến 4 tuần. Người cao tuổi thường bị tổn thương nhiều hơn và trên diện rộng hơn: mụn nước, bọng nước cơ thể đi kèm với xuất huyết, nhiễm khuẩn, hoại tử, sẹo xấu và lâu lành. Còn ở trẻ em, sự tổn thương ít hơn, bệnh nhanh lành hơn.

Mụn nước chứa dịch đục, dần dần hóa mủ, khô đi, hình thành vảy và bong tróc dần.

Nổi hạch, sưng đỏ

Những vùng da xung quanh mụn nước có dấu hiệu sưng đỏ đi kèm với đó là cảm giác đau nhẹ đến đau dữ dội ở vùng da bị ảnh hưởng; đau như kim chích, giật giật từng đợt ở vùng da nhiễm bệnh. Ngoài ra, ở những vị trí phát ban Zona còn xuất hiện hạch.

Triệu chứng đau

Mức độ đau thường phụ thuộc vào lứa tuổi. Trẻ em thường cảm thấy ít đau hơn trong khi đó, người nhiều tuổi lại đau thành từng cơn, kéo dài, thậm chí là hàng năm kể cả khi vết thương ngoài da đã lành sẹo. Tình trạng đó còn gọi là đau sau zona.

Các rối loạn khác: có thể thấy rối loạn bài tiết mồ hôi, vận mạch, phản xạ dựng lông (nhưng hiếm gặp).

Zona thần kinh và các thể bệnh thường gặp:

Zone thần kinh là một bệnh về da, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể với mức độ nặng - nhẹ, phạm vi viêm nhiễm khác nhau. Tại các vùng tương ứng, sẽ có các thể bệnh Zone thần kinh như sau:

1. Theo vị trí tổn thương

Zona liên sườn và ngực bụng: là thể lâm sàng hay gặp nhất, chiếm 50% trường hợp.

Zona cổ (đám rối cổ nông) và cổ cánh tay.

Zona gáy cổ: có tổn thương ở gáy, da đầu, vành tai.

Zona hông, bụng, sinh dục, bẹn, xương cùng, ụ ngồi, đùi.

2. Theo hình thái tổn thương

Hình thái này thường thể hiện ở những người suy giảm hệ miễn dịch như ung thư, hóa trị liệu, HIV/AIDS,...

Zona lan toả (disseminated zoster).

Zona nhiều dây thần kinh.

Zona tái phát.

3. Các thể Zona thần kinh đặc biệt

Zona ở mắt: là loại zona thần kinh chiếm 10 - 15% các thể Zona. Do tổn thương thần kinh V hay thần kinh sinh ba chi phối cho mắt, hàm trên và hàm dưới, trong đó tổn thương nhánh mắt gấp 5 lần các nhánh khác. Những triệu chứng đi kèm bao gồm đau mắt, đỏ mắt, ngứa, sưng và xuất hiện các vết phồng rộp. Tình trạng này có thể gây viêm kết mạc, viêm giác mạc, củng mạc và thậm chí nếu tình trạng chuyển nặng có thể dẫn đe dạo tới thị lực như hoại tử võng mạc cấp tính, viêm dây thần kinh thị giác, hội chứng dính ổ mắt, glaucome thứ phát hoặc dẫn tới mù lòa.


Một số hình ảnh về trường hợp Zona ở mắt

Zona ở tai: cảm giác rát bỏng, đau vùng tai, có thể lan ra thái dương và gáy. Các triệu chứng sẽ xuất hiện như đau tai, liệt mặt, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai, xuất huyết,… Cơn đau xảy ra từng đợt kéo dài nhiều ngày làm bệnh nhân không ăn, không ngủ được.

Zona ở miệng: thường khiến chúng ta nhầm lẫn với nhiệt miệng khi trên môi hoặc trong miệng xuất hiện vết lở loét gây ra cảm giác đau rát, khó chịu khi ăn uống và nói chuyện. Tuy nhiên Zona ở miệng kéo dài lâu hơn và đau đớn hơn...

Zona ở người nhiễm HIV/AIDS: bệnh Zona ở người HIV giai đoạn sớm tương tự như bệnh zona ở người bình thường. Nếu nhiễm HIV tới giai đoạn AIDS thì Zona có thể tái phát thường xuyên hơn, nhưng tổn thương không điển hình như xuất hiện trên diện rộng, mụn nước xuất huyết, hoại tử, nhiễm khuẩn, sẹo xấu, bệnh kéo dài.

Zona thần kinh và những nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của Zona thần kinh là do sự tái hoạt động của virus Varicella Zoster. Hiện nay, câu hỏi vì sao virus Varicella Zoster lại có thể tái hoạt động và gây ra bệ/nh Zona vẫn đang bỏ ngỏ, chưa được các nhà nghiên cứu xác định. Tuy nhiên một vài nguyên nhân đã được đưa ra:

Trước hết là do hệ miễn dịch yếu, xuất hiện ở người mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, người lớn tuổi, những người sử dụng thuốc steroid lâu dài hoặc các loại thuốc khác có khả năng làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

Thứ hai, do rơi vào tình trạng stress thường xuyên.

Thứ ba, do chịu ảnh hưởng của các bệnh lý, các phương pháp điều trị bệnh đã làm hệ miễn dịch, sức đề kháng giảm sút.

Thứ tư, do vùng da nổi ban bị tổn thương.

Zona thần kinh - cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

1. Cách chẩn đoán

Trước hết để chẩn đoán cơ thể có đang mắc Zona thần kinh hay không hãy chú ý tới các biểu hiện đặc trưng của bệnh này: cảm giác nóng, rát ở một vùng da, xuất hiện tình trạng nổi mụn nước có chứa dịch trong,...

Trong một số trường hợp, để tránh nhầm lẫn với bệnh ngoài da khác, các bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra phát ban, lấy mẫu da hoặc chất dịch trong mụn nước để xét nghiệm nhằm xác định sự hiện diện của virus Varicella Zoster.

2. Cách điều trị

Để điều trị bệnh Zona thần kinh chúng ta có thể áp dụng những phương pháp sau:

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả thuốc uống và kem bôi ngoài da. Chúng có tác dụng trong việc giảm viêm, giảm đau, giảm sự khó chịu, cụ thể:

Thuốc kháng virus:

Acyclovir: thuốc nên đƣợc dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu. Liều 800mg x 5 lần/ngày trong vòng 7 - 10 ngày.

Famciclovir 500mg mỗi 8 giờ (3 lần mỗi ngày) x 7 ngày.

Valacyclovir 1000mg mỗi 8 giờ (3 lần mỗi ngày) x 7 ngày.

Thuốc giảm đau không kê theo đơn: Acetaminophen; Ibuprofen…

Kem bôi ngoài da: ưu tiên những sản phẩm có chiết xuất lành tính từ tự nhiên như capsaicin, kem dưỡng da calamine, hỗn hợp dimethyl sulfoxide lỏng (DMSO) và idoxuridine.... Bôi kem chứa lidocain và prilocain tại chỗ, ngày 3 - 4 lần.

Vệ sinh vết thương, những vùng da xung quanh thật cẩn thận và sạch sẽ, tránh những tác động mạnh gây vỡ mụn nước.

Thay đổi chế độ ăn uống để tăng cường hệ miễn dịch: bổ sung các nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin vitamin A, B12, C, E, axit amin lysine và tránh một số loại thực phẩm như thực phẩm và nước trái cây có lượng đường cao...

3. Cách phòng ngừa

Chú ý chế độ sinh hoạt, ăn uống để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng. Bổ sung các thực phảm giàu dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch chống lại virus gây bệnh.

Tiêm chủng để bảo vệ bản thân khỏi thủy đậu đồng thời tránh được khả năng bị virus gây bệnh zona tấn công.

Tránh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh zona ở trên cơ thể còn vết mụn nước.

Khi thấy những dấu hiệu nhẹ đầu tiên cần đi kiểm tra và điều trị ngay trước khi lên phát ban, mụn nước.

(Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu của Bộ Y tế số 75/QĐ - BYT 2015; bạn có thể xem báo cáo lại link này).

Tin khác

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z) là cuốn sách về kiến thức y học chuyên sâu với các từ tiếng Anh được giải thích bằng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu, có hệ thống và bảo đảm độ tin cậy, tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Sách y dược học  - 
Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Cuốn sách nổi tiếng này của tác giả GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã được NXB Tổng hợp TP HCM tái bản nhiều lần.

Sách y dược học  - 
 Sách hay nên đọc: 'Khi hơi thở hóa thinh không' - Bác sĩ Paul Kalanithi

Sách hay nên đọc: "Khi hơi thở hóa thinh không" - Bác sĩ Paul Kalanithi

"Khi hơi thở hóa thinh không" là một cuốn hồi ký đầy xúc động và sâu sắc của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết cuốn sách trong những tháng cuối đời khi anh đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sách y dược học  -