Những điều cần biết về Zona thần kinh ở tai
Zona tai là một trong những thể bệnh của Zona thần kinh, do virus Herpes Zoster – cùng loại virus gây bệnh thủy đậu là nguyên nhân. Bệnh có triệu chứng đau đớn trên mặt bao gồm cả tai. Trong những trường hợp nặng, Zona tai có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây Zona thần kinh ở tai
Zona thần kinh ở tai là một trong số các thể bệnh của Zona thần kinh, xuất hiện do sự tái hoạt động của virus Varicella - Zoster (VZV). Nguyên nhân gây bệnh tương tự với nguyên nhân gây ra bệnh Zona thần kinh nói chung. Tuy nhiên đối với Zona thần kinh ở tai, virus Varicella - Zoster sẽ tập trung xâm nhập và tấn công vào hạch gối, sau đó sẽ đi theo đường của dây thần kinh sọ số VII (dây thần kinh mặt) và số VIII (dây thần kinh thính giác).
Thông thường, Zona thần kinh ở tai sẽ lành sau tầm 2 tuần, tuy nhiên nếu không phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây nên những biến chứng, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người bệnh.
Tỷ lệ mắc Zona thần kinh ở tai là bao nhiêu ?
Zona thần kinh ở tai là một trong các thể bệnh hiếm gặp của Zona thần kinh. Theo thống kê, Zona thần kinh ở tai chỉ chiếm 0.01% tổng số người bệnh đến thăm khám tai - mũi - họng hằng năm.
Zona thần kinh ở tai có những biểu hiện nào ?
Zona thần kinh ở tai cũng có các triệu chứng giống Zona thần kinh nói chung. Chính vì thế ban đầu người bệnh sẽ xuất hiện cảm giác quen thuộc như: phát ban và bọng nước chứa đầy chất dịch, đem lại cảm giác rát bỏng, đau vùng tai, có thể lan ra thái dương và gáy. Đi kèm với đó có thể là hiện tượng sốt nhẹ (khoảng 37 – 38,5 độ C).
Ngoài ra, Zona thần kinh tai có một số biểu hiện đặc trưng như sau:
1. Cảm giác đau: người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau dữ dội từ tai. Tình trạng đau sẽ xuất hiện theo dọc ống tai, nhất là vùng da ở phía trước hoặc sau tai và sau đó là đau sâu bên trong tai. Cơn đau có thể kéo dài và kéo xuống vùng miệng, họng kèm theo đó là rối loạn cảm giác ở họng, lưỡi làm người bệnh ăn uống như dùng phải đồ nóng.
2. Khởi phát bệnh: Từ 1 - 3 ngày sau khi cơn đau xuất hiện thì người bệnh sẽ xuất hiện phát ban đỏ và nổi mụn nước tại vị trí đau. Các mụn nước nhỏ sẽ có dịch màu vàng chanh, chúng phân bố rải rác ở các dây thần kinh tai, bao gồm: vùng da nắp tai, loa tai, cửa ống tai.
4. Khi mắc Zona thần kinh ở tai người bệnh phàn nàn bị nghe kém bên tai cùng với tai bị bệnh. Trong tai xuất hiện tiếng ù như tiếng ve kêu, dế kêu. Người bệnh có thể có biểu hiện chóng mặt, đi lại loạng choạng.
3. Trong một số trường hợp đặc biệt, virus sẽ gây bệnh ảnh hưởng lên dây thần kinh số VII khiến người bệnh liệt mặt và giảm sức nghe. Đó còn được gọi là hội chứng Ramsay Hunt (RHS).
Zona thần kinh ở tai có những biến chứng nào?
Mặc dù là thể bệnh hiếm gặp ở Zona thần kinh chỉ chiếm 0.01% tổng số người bệnh đến thăm khám tai - mũi - họng hằng năm thế nhưng một khi đã mắc phải, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ gặp những biến chứng Zona nguy hiểm.
Nhiễm trùng da (Bội nhiễm)
Thông thường, sau một thời gian các mụn nước chứa dịch sẽ vỡ ra, khô dần và hình thành vảy. Tuy nhiên, tai là bộ phận có liên quan đến nhiều dây thần kinh, cũng là bộ phận khó có thể vệ sinh sạch sẽ, nếu trong quá trình mụn nước chưa vỡ, người bệnh có các tác động quá mạnh, không chăm sóc vết thương đúng cách sẽ khiến vết thương dễ bị nhiễm trùng. Về lâu về dài sẽ gây bội nhiễm sang các khu vực lân cận khác, gây viêm tấy lan tỏa. Tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn.
Viêm não, viêm màng não
Đây là biến chứng đặc biệt gặp ở những người mắc Zona thần kinh ở tai. Bởi tai là bộ phận có cấu tạo thông thương với hệ thống não bộ, chứa nhiều dây thần kinh và cũng là bộ phận khó có thể vệ sinh sạch sẽ nên khi virus xuất hiện và xâm nhập ở tai sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lây lan lên não.
Trường hợp chuyển nặng có thể tổn thương da ở khu vực màng nhĩ hay phía trong ống tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực. Nếu không điều trị kịp thời có thể còn dẫn tới tình trạng như tê liệt chân tay, động kinh; thậm chí là tử vong.
Biến chứng này thường khó nhận biết và phân biệt so với các biến chứng khác. Người bệnh vì vậy không được chủ quan, khi bị Zona thần kinh ở tai hãy đến các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để thăm khám - điều trị sớm.
Hội chứng Ramsay Hunt
Đây được xem là một trong những biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan. Biến chứng này biểu hiện ở việc liệt dây thần kinh số VII ngoại biên từ đó có thể khiến người bệnh đau nhức tai trầm trọng, tê liệt mặt, suy giảm hoặc mất thính giác, ù tai, cảm giác chóng mặt, thay đổi vị giác hoặc mất vị giác, khô miệng và khô mắt....
Một số biến chứng khác
Đau dây thần kinh: đây là một trong những biến chứng thường gặp ở các thể bệnh Zona thần kinh nói chung.
Sốt cao, nôn nhiều, rối loạn tiêu hóa
Gây liệt mặt và sức nghe giảm
Cách điều trị Zona ở tai
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có các phương pháp được sử dụng để kìm hãm sự phát triển của virus, làm giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng.
Với điều trị Zona thần kinh ở tai, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp sau:
Dùng thuốc kháng virus
Một số thuốc kháng virus có thể kể đến như: Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir,... hoặc zovirax liều thay đổi tùy theo tuổi. Việc sử dụng các loại thuốc này có hiệu quả trong ngăn chặn virus lây lan, giảm đau, làm lành nhanh các vết mụn nước và phát ban.
Ở trẻ em, uống 2 viên 200mg/ngày. Trẻ lớn và người lớn sử dụng 5 viên 800mg, uống trong ngày. Thuốc được sử dụng từ 7 - 10 ngày.
Tuy nhiên liều lượng còn tùy với thể trạng và tình trạng bệnh của từng người, nên người bệnh cần đến các trung tâm y tế, phòng khám chuyên khoa để nhận được tư vấn và chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Dùng các loại thuốc giúp giảm đau, chống viêm
Người bị mắc Zona thần kinh ở tai có thể sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, kháng viêm, chống phù nề như alphachymotrypsin…; giảm đau bằng paracetamol.
Trong trường hợp có kèm theo liệt mặt: sử dụng thêm corticoid; sử dụng vitamin B1, B6, B12 liều cao uống hoặc tiêm.
Dùng thuốc bôi ngoài da
Người bệnh có thể bôi thuốc mỡ kháng viêm, chống virus như mỡ zovirax tại vùng có mụn nước để giảm đau, chống viêm, chống tạo sẹo, chống tình trạng bội nhiễm của các mụn nước.
Trong trường hợp đau dai dẳng có thể: bôi kem chứa lidocain và prilocain, kem capsaicin, lidocain gel.
Những lưu ý khi mắc Zona thần kinh ở tai
Chăm sóc vết thương
1. Giữ cho vùng da bị thương tổn luôn khô ráo, sạch sẽ. Vệ sinh thường xuyên bằng thuốc khử trùng. Hạn chế dùng tay chạm vào vết thương khi chưa rửa sạch.
2. Người bệnh tuyệt đối không tác động mạnh vào vùng tai bị tổn thương do zona nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mụn nước bị vỡ, rỉ dịch. Tuyệt đối không bôi kem hoặc dán cao dán lên các vết loét đang rỉ dịch vì nguy cơ bội nhiễm và chậm lành vết thương.
3. Đầu tóc trong trạng thái buộc gọn gàng, để vùng tai được thoáng tránh gây bí, nóng chà xát gây tổn thương cho vùng da bị Zona.
Điều trị bệnh
1. Đối với trường hợp người bệnh bị biến chứng liệt mặt do dây thần kinh trong ống xương bị chèn ép gây phù nề, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giải áp các dây thần kinh mặt.
2. Khi xuất hiện các biến chứng sau Zona, người bệnh không được chủ quan mà cần đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa. Tránh các trường hợp tự điều trị tại nhà với các phương pháp "truyền tai nhau".
Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ
1. "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu" của Bộ Y tế số 75/QĐ - BYT 2015; bạn có thể xem báo cáo tại kcb.vn
2. "Chỉ nghĩ là đau tay thông thường, ai ngờ..." của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; bạn có thể xem chi tiết bài viết tại benhviendakhoatinhphutho.vn
3. "Bệnh Zona tai: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị" của Trung tâm tiêm chủng VNVC; bạn có thể xem chi tiết bài viết tại vnvc.vn
Tin khác
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách chăm sóc trẻ thơ
Việc chăm sóc trẻ thơ rất phức tạp và sẽ được lần lượt trình bày trong tập cẩm nang này. Trong kỳ này, chúng tôi chỉ nêu một số điều lưu ý nhất mà thôi.
Cẩm nang chăm sóc bé: Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ vô cùng cần thiết cho đứa con của bạn. Loài người cũng như các loài động vật có vú đều nuôi con từ trong bụng mẹ (máu huyết đưa thức ăn và dưỡng khí thông qua cuống nhau nuôi bào thai từng giây từng phút không lúc nào ngơi nghỉ) và sau khi sanh, liền cho bú ngay bằng sữa mẹ...Nhờ đó mà muôn loài đã sinh sôi phát triển và tổn tại hàng triệu năm qua.
Làm sao để mẹ nhiễm HIV sinh con an toàn và khỏe mạnh?
Tại Việt Nam, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đã giảm xuống dưới 5%. Tuy nhiên, để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm, cần thực hiện một quá trình điều trị toàn diện, bắt đầu từ trước khi mang thai cho đến sau khi sinh. Vậy cần bao lâu để xác định chắc chắn rằng em bé không bị nhiễm HIV?
Cẩm nang chăm sóc bé: 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ
"Cẩm nang chăm sóc bé" - là chuyên đề được Ykhoangaynay.com thực hiện dựa trên tài liệu “Cẩm nang chăm sóc Bà mẹ và Em bé” do Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em dịch và chú giải, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) hiệu đính và viết lời giới thiệu.
Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.