Viêm màng não mủ sơ sinh: Các xét nghiệm chẩn đoán
Việc chậm trễ đưa ra chẩn đoán viêm màng não mủ sơ sinh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Vì vậy, ngoài việc dựa vào những triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm chẩn đoán cũng góp phần không ít vào định hướng điều trị và tiên lượng bệnh trong viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Chọc dò tủy sống
Chọc dò tủy sống ở thắt lưng được chỉ định để khảo sát dịch não tủy ở tất cả các trẻ sơ sinh khi nghi ngờ nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não, ngay cả khi chưa có hay hoàn toàn không có những dấu hiệu thần kinh. Đây là một cận lâm sàng xâm lấn, dùng kim đưa vào khe giữa đốt sống để rút ra một ít dịch não tủy – một loại dịch thông nối với dịch trong khoang não thất.
Việc thực hiện chọc dịch não tủy vẫn có một số biến chứng như: Thoát vị thân não, nhiễm trùng từ bên ngoài...
Viêm màng não vốn dĩ là một bệnh lý sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Nếu kết hợp thêm kết quả dịch não tủy, tiên lượng bệnh tật sẽ được định hướng rõ ràng hơn. Ngoài ra, cũng có không ít các trường hợp trẻ sơ sinh có cấy máu âm tính trong khi lại có kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính. Điều này cho thấy khả năng chẩn đoán viêm màng não có thể bị bỏ sót nếu không nghĩ đến và tiến hành thu thập bằng chứng loại trừ.
Trong trường hợp viêm màng não do vi khuẩn, cần lặp lại thủ thuật chọc dò tủy sống từ 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị để đảm bảo loại bỏ được vi trùng trong dịch não tủy cũng như đánh giá hiệu quả kháng sinh. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng việc phân tích các kết quả dịch não tủy ở trẻ sơ sinh sẽ có nhiều khác biệt so với trẻ lớn, đặc biệt là ở trẻ sinh non do có hàng rào máu não với tính thấm còn cao, gây ra mức glucose và protein cao hơn bình thường sinh lý.
> Viêm màng não mủ: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
2. Xét nghiệm tìm tác nhân gây viêm màng não mủ
Tác nhân gây viêm màng não mủ sơ sinh tương đối đa dạng và chỉ được xác định bằng các xét nghiệm chuyên biệt.
Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) là một công cụ chẩn đoán mạnh với độ nhạy và độ đặc hiệu gần ở mức tuyệt đối. Phương tiện này cho phép xác định kháng nguyên streptococcal nhóm B trong dịch não tủy và cả nước tiểu khi cơ thể nhiễm bệnh. Đồng thời, đây cũng là tiêu chuẩn để xác định tác nhân virus herpes simplex (HSV) và enterovirus trong dịch não tủy. Ở trẻ sơ sinh, PCR có độ nhạy là 71-100% và độ đặc hiệu xấp xỉ tới 98-99%. Ngoài ra, nếu PCR HSV trong dịch não tủy ban đầu âm tính mà vẫn nghi ngờ viêm màng não do HSV, việc chọc dò tủy sống sẽ cần lặp lại sau 5 - 7 ngày sau đó.
Bên cạnh đó, việc sàng lọc nhanh với bộ xét nghiệm ngưng kết hạt latex trong nước tiểu có thể được thực hiện đối với tác nhân E coli, Streptococcus pneumoniae và streptococcal nhóm B.
Trong trường hợp trẻ có nổi mụn nước trên da, việc khảo sát nhiễm HSV cũng cần thực hiện bằng cách nuôi cấy dịch từ các mụn nước này. Không chỉ thế, việc phết dịch trên vòm họng, kết mạc và trực tràng cũng đã được sử dụng để xác định các tác nhân virus.
3. Chụp cộng hưởng từ
Hình ảnh cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging - MRI) là một phương thức tin cậy nhằm khảo sát các cấu trúc của hệ thần kinh cũng như để xác định nguyên nhân của ổ nhiễm trùng và các biến chứng nhồi máu, xuất huyết thứ phát, phù não, tràn dịch não thất hoặc hình thành áp xe.
Phương tiện này nên được xem xét trong bệnh cảnh có những dấu hiệu thần kinh khu trú kèm theo nhiễm trùng kéo dài khó kiểm soát. Lúc này, những tổn thương dưới màng cứng sẽ được chẩn đoán rất tốt với MRI. Một số nghiên cứu đã ghi nhận những dấu hiệu bất thường về chất trắng quanh não thất trên MRI ở trẻ sơ sinh là bằng chứng ủng hộ cho chẩn đoán viêm màng não sơ sinh.
Đồng thời, việc quét MRI cũng sẽ hữu ích để theo dõi diễn tiến của ổ nhiễm trùng, góp phần tiên lượng bệnh. Tại các trung tâm tiên tiến, chức năng ghi nhận quang phổ của cộng hưởng từ có thể cung cấp thêm những thông tin quan trọng về quá trình trao đổi chất trong nhu mô não của trẻ sơ sinh.
4. Các phương tiện hình ảnh khác
4.1 Chụp cắt lớp vi tính
Mặc dù chụp cắt lớp vi tính (Computed Tomography - CT) sẽ có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ trên não trẻ sơ sinh, do có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với MRI, công cụ hình ảnh học này cũng sẽ giúp ích cho việc đưa ra quyết định can thiệp phẫu thuật thần kinh nói chung, chẳng hạn như dẫn lưu não thất hoặc lấy khối áp xe.
4.2 Siêu âm xuyên sọ
Công cụ này cũng cho phép khảo sát hình ảnh thay thế trên những trẻ sơ sinh đang mắc bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, hạn chế của siêu âm xuyên sọ là không cung cấp chi tiết các cấu trúc trong nhu mô não. Dù vậy, đây vẫn là một phương tiện có nguy cơ thấp và cũng rất hữu ích trong việc theo dõi kích thước não thất trong bệnh não úng thủy có thể xảy ra trong giai đoạn cấp tính của viêm màng não.
4.3 X-quang phổi
Những hình ảnh của nhu mô phổi và bóng tim sẽ được khảo sát đơn giản qua việc chụp X-quang. Viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết có thể xảy ra đồng thời với viêm phổi. Mặt khác, hình ảnh trên Xquang đôi khi không thể phân biệt được với những dấu hiệu bất thường trong bệnh lý thiếu hụt chất hoạt động bề mặt ở trẻ sinh non, tăng áp phổi và bệnh tim bẩm sinh.
> Bệnh động kinh ở trẻ em: Giải pháp điều trị hiệu quả?
5. Điện não đồ
Điện não đồ (Electroencephalogram - EEG) không phải là một xét nghiệm thiết yếu trong quá trình chẩn đoán ban đầu khi nghi ngờ viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ở những trẻ sơ sinh bị viêm màng não mà không đáp ứng với các thuốc chống co giật hoặc cơn co giật có các biểu hiện như ngừng thở, nhịp tim chậm, việc theo dõi EEG sẽ cung cấp thông tin hữu ích để hướng dẫn điều trị bằng các nhóm thuốc chống co giật phù hợp.
EEG cũng có vai trò trong tiên lượng bệnh. Nếu trẻ sơ sinh có điện não đồ bình thường hoặc chỉ bất thường mức độ nhẹ sẽ có kết quả tốt hơn, trong khi những trẻ có điện não đồ bất thường từ trung bình đến nặng sẽ có nhiều khả năng tử vong hoặc dự hậu kém về lâu dài.
Tóm lại, với sự phổ biến của các phương tiện xét nghiệm, việc chẩn đoán viêm màng não mủ ngày nay đã trở nên thuận lợi hơn. Nhờ đó, chỉ cần bác sĩ có nghĩ đến chẩn đoán này và chỉ định cận lâm sàng phù hợp sẽ thêm được rất nhiều các trẻ sơ sinh được điều trị đúng, cải thiện dự hậu về sau.
Khoa nhi tại hệ thống Y tế Vinmec với chức năng tiếp nhận, thăm khám và điều trị tích cực đối với các bệnh lý trẻ nhỏ hay mắc phải. Với thế mạnh trong khám - phát hiện - can thiệp sớm những trường hợp có nguy cơ cao về bất thường trong sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ Đặng Thị Ngoan từng là giảng viên Bộ môn Nhi - trường Đại học Y dược Hải Phòng. Từng được cấp chứng chỉ về Nhi khoa trong và ngoài nước như: Bệnh viện Westmead, Australia; Trường Đại học Y Hải Phòng. Hiện tại, Bác sĩ Ngoan là bác sĩ Nhi - Sơ sinh tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tin khác
Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt (phần 2)
Tại sao trẻ con bị sốt - Sốt cũng có lợi cho sức khoẻ - Cách đo thân nhiệt, đánh giá mức độ nóng sốt và cách xử trí khi trẻ bị nóng sốt.
Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt
Tại sao trẻ con bị sốt - Sốt cũng có lợi cho sức khoẻ - Cách đo thân nhiệt, đánh giá mức độ nóng sốt và cách xử trí khi trẻ bị nóng sốt.
Cẩm nang chăm sóc bé: Dùng thuốc ở trẻ con
Người ta thường nghĩ rằng trị bệnh là phải dùng thuốc. Nhưng thuốc không phải là yếu tố quyết định số một trong việc chăm lo sức khoẻ cho trẻ con, mà còn có những nguyên tắc và yếu tố khác, nhiều khi quan trọng hơn.
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách con ăn dặm
Ăn dặm không có nghĩa là dứt hẳn ngay sữa mẹ, mà vẫn cứ tiếp tục cho bú, làm sao cho khi thôi nôi mà mỗi ngày còn “bú tí mẹ” được khoảng nửa lít thì tốt, kể như cũng được hưởng khoảng 350 Calo trên tổng số 1.100 Calo nhu cầu năng lượng lúc 1 tuổi.
Cẩm nang chăm sóc bé: Sự phát triển trí tuệ và thể chất trẻ con
Cứ mỗi 16 giây trôi qua là nước ta có thêm một công dân mới ra đời. Dù cho số phận của mỗi người chúng ta như thế nào đi nữa, thì khi sinh con, ai cũng muốn có được những đứa con khoẻ mạnh và thông minh, lanh lợi hơn người…
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách chăm sóc trẻ thơ
Việc chăm sóc trẻ thơ rất phức tạp và sẽ được lần lượt trình bày trong tập cẩm nang này. Trong kỳ này, chúng tôi chỉ nêu một số điều lưu ý nhất mà thôi.