Viện phí không thể là rào cản cứu người
Viện phí là nỗi lo ngại của người nghèo nhưng với người làm nghề y, cứu người luôn là mệnh lệnh cao nhất.

Trong nhiều năm làm quản lý tại các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, tôi luôn tâm niệm: không được để người bệnh bị từ chối cấp cứu chỉ vì không có tiền. Khi tham gia Ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã thống nhất chủ trương: bệnh nhân không có tiền vẫn phải được cứu sống.
Tỉ lệ bệnh nhân không trả viện phí thực tế không cao, bởi phần lớn người bệnh và gia đình đều biết ơn đội ngũ y bác sĩ đã cứu chữa họ. Với tôi, việc để người bệnh vào thẳng phòng khám mà chưa phải đóng tiền trước là điều nên làm. Sau khi có chỉ định cận lâm sàng, họ sẽ đóng viện phí một lần tại quầy. Dù từng có ý kiến e ngại bệnh nhân “khám xong bỏ về”, tôi cho rằng, nếu họ không hài lòng thì quyền dừng khám cũng là điều có thể hiểu được. Trên thực tế, tình huống này rất hiếm xảy ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tuy nhiên, khi về làm Giám đốc kiêm nhiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, tôi cảm nhận được rõ hơn áp lực từ tuyến y tế địa phương. Lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ: không để bệnh nhân nghèo bị bỏ rơi trong tình huống cấp cứu. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc. Nhưng quả thực, với nguồn thu chủ yếu từ bảo hiểm y tế (BHYT), đây là gánh nặng không nhỏ bởi nhiều người nghèo không có thẻ BHYT và không có người thân.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 55 trường hợp không có thân nhân, trong đó có 9 người nước ngoài và 10 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Có 11 ca được chữa khỏi hoàn toàn và xuất viện mà không đóng một đồng viện phí nào. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp có thân nhân nhưng không có khả năng chi trả, buộc các phòng ban và nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ.
Tình trạng bệnh nhân “trốn viện” vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, không có nhân viên nào từng phải bỏ tiền túi bù vào khoản thất thu đó. Nếu có sai sót là do thái độ thiếu phù hợp, không tuân thủ quy trình hoặc thiếu trách nhiệm, thì sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, trừ thu nhập, chuyển công tác đến mức cao nhất là buộc thôi việc.
Câu chuyện viện phí không chỉ là con số, mà còn là câu chuyện về đạo đức và phẩm giá ngành y. Bệnh viện công vẫn đang là điểm tựa cho những người nghèo, người yếu thế. Nhưng trong bối cảnh quá tải, thủ tục rườm rà, cùng áp lực cơ chế tự chủ tài chính, không ít tình huống cấp cứu bị trì hoãn hoặc hiểu lầm là “chưa có tiền thì không cứu”. Điều này đáng lo hơn cả là dẫn đến chẩn đoán và điều trị sai lệch.
Vì thế, điều đáng quan tâm không phải chỉ là miễn phí hay không, mà là làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả của khoa cấp cứu - nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ tính bằng giây. Cần xây dựng quy trình cấp cứu phù hợp với nguồn lực từng tuyến, từng bệnh viện. Một bệnh viện huyện không có máy chụp CT thì không thể áp cùng một quy trình với bệnh viện tuyến tỉnh hay trung ương.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế “bù lỗ” cho các khoa cấp cứu - hồi sức. Không thể yêu cầu khoa này tự chủ tài chính như các khoa khác. Nếu có thất thu, ngân sách địa phương hoặc bệnh viện cần chi trả sau khi được kiểm toán định kỳ.
Cuối cùng, để phòng cấp cứu thực sự là nơi bình yên, cần nghiêm trị những hành vi bạo hành nhân viên y tế. Đồng nghiệp của tôi đã nhiều lần bị tấn công cả thể xác lẫn tinh thần ngay khi đang giành giật sự sống cho người nhà của họ. Chúng tôi không cần sự thương hại. Điều ngành y cần là sự tôn trọng, minh bạch và chuyên nghiệp. Và với những kẻ vô lương tri, chúng tôi sẵn sàng đoàn kết để đòi lại công lý.
Tin khác
Hiểu về thực phẩm chức năng qua bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu
Mỗi ngày đều có người hỏi về thực phẩm chức năng, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu luôn không bình luận. Trong khám bệnh, ông không ghi toa và bản thân cũng không dùng sản phẩm này.
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó.
Kiến thức về bệnh gout: Chẩn đoán và cách điều trị
Gout là một bệnh chuyển hóa, đặc trưng là có những đợt viêm khớp cấp tái phát và lắng đọng natri urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu.
Tổn thương thần kinh thị giác sau chấn thương là bệnh gì, điều trị như thế nào?
Tổn thương thị thần kinh sau chấn thương là một bệnh lý hay gặp trong nhãn khoa. Tổn thương thị thần kinh có thể đơn thuần do chần thương trực tiếp hoặc phối hợp với chấn thương sọ não.
Bệnh u não - căn bệnh nguy hiểm NSƯT Quý Bình mắc phải
U não là một trong những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Kiến thức về ký sinh trùng? 20 loại phổ biến và các giai đoạn phát triển
Ký sinh trùng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người do chúng tác động lên vật chủ theo nhiều cách khác nhau, từ hút dinh dưỡng, gây tổn thương mô, tiết độc tố đến làm suy giảm hệ miễn dịch. Các tác động cơ học và phản xạ như co thắt ruột cũng khiến bệnh do ký sinh trùng trở nên nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.