Viêm da cơ địa: Cách điều trị
Viêm da cơ địa không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh. Hãy cùng khám phá những cách chữa viêm da cơ địa hiệu quả, từ những phương pháp tự nhiên đơn giản đến những liệu pháp chuyên sâu, giúp bạn lấy lại làn da khỏe mạnh và mịn màng.
Viêm da cơ địa (tiếng Anh là Atopic Dermatitis = AD) hay còn gọi là chàm cơ địa (Atopic Eczema) chỉ một bệnh viêm da mãn tính, dễ tái phát. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường là trẻ em và có thể liên quan đến các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da tiếp xúc, dị ứng thức ăn,...

Các tác nhân gây bệnh có thể bao gồm dầu gội, sữa tắm, bột giặt, thực phẩm, nước hoa, phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng cũng như sự thay đổi thời tiết, nội tiết tố và thậm chí cả căng thẳng…
Triệu chứng chính là ngứa; tổn thương da từ ban đỏ mức độ nhẹ đến lichen hóa (dày da) mức độ nặng đến chứng đỏ da.
> Viêm da cơ địa: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa:
1. Các phương pháp điều trị hiệu quả tại nhà
Dưỡng ẩm thường xuyên:
Viêm da cơ địa thường xuất hiện tình trạng khô da, mất nước do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Việc dưỡng ẩm thường xuyên giúp bổ sung độ ẩm, phục hồi hàng rào bảo vệ da, làm mềm và dịu da, giảm ngứa ngáy và bong tróc. Kem dưỡng ẩm cần được thoa thường xuyên kể cả khi các triệu chứng viêm da đã hết.
Cách thực hiện:
- Lựa chọn kem dưỡng ẩm không mùi, không chứa hương liệu và chất bảo quản để an toàn, lành tính cho da. Nên sử dụng các sản phẩm có chứa thành phần như ceramide, hyaluronic acid, hoặc glycerin để tăng cường hiệu quả dưỡng ẩm.
- Bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị ảnh hưởng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm, làm ướt hoặc khi da cảm thấy khô.

Chườm lạnh:
Chườm lạnh giúp giảm viêm ngứa và làm dịu da thông qua việc co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến vùng da bị tổn thương.
Cách thực hiện:
- Bọc đá lạnh trong khăn mềm, tránh tiếp xúc trực tiếp với da.
- Chườm nhẹ nhàng lên vùng da bị viêm trong 10 - 15 phút, tránh chườm quá lâu. Nếu cần có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.

Sử dụng sản phẩm làm dịu da:
Các sản phẩm chứa thành phần như yến mạch (colloidal oatmeal), lô hội (aloe vera), hoặc dầu dừa (coconut oil) có tác dụng làm dịu da, giảm viêm, giảm ngứa nhờ có các đặc tính chống viêm và làm mềm da tự nhiên.
Cách thực hiện:
- Tắm với nước ấm có pha yến mạch hoặc sử dụng sữa tắm có chứa yến mạch.
- Thoa gel lô hội hoặc dầu dừa lên vùng da bị ảnh hưởng.

Người bệnh tránh các tác nhân kích ứng:
Viêm da cơ địa có thể bị kích hoạt hoặc chuyển biến nặng do các tác nhân như xà phòng, chất tẩy rửa, len, dạ, hoặc mồ hôi. Việc tránh tiếp xúc với các tác nhân này giúp giảm thiểu tình trạng viêm và ngứa.
Cách thực hiện:
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi hương và không chứa chất tẩy rửa mạnh.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, làm từ chất liệu cotton mềm mại.
- Không nên tham gia hoạt động gây tiết nhiều mồ hôi.
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống mang đến không gian luôn sạch sẽ và thoáng mát.

Chế độ ăn uống phù hợp:
Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng hoặc làm nặng thêm triệu chứng viêm da cơ địa. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, loại bỏ các thực phẩm không phù hợp, có thể giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, sữa, đậu phộng, hoặc lúa mì.
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, hoặc hạt lanh.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giữ cho da đủ ẩm.
> Xem chi tiết Bị viêm da cơ địa nên kiêng ăn gì?
> Xem chi tiết Chế độ ăn cho người bị viêm da cơ địa
Tắm với nước ấm:
- Có thể pha thêm một ít bột baking soda hoặc yến mạch xay nhỏ vào với nước ấm. Tỉ lệ pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Điều chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp, không nên quá nóng.
- Ngâm mình trong nước đã được pha 10 - 15 phút rồi lau khô cơ thể, dùng kem dưỡng ẩm ngay sau đó.

Không gãi khu vực bị ngứa:
Trường hợp quá ngứa chỉ nên sử dụng đầu ngón tay ấn nhẹ vào khu vực bị ngứa để làm giảm cảm giác khó chịu. Tuyệt đối không dùng móng tay để cào, gãi sẽ khiến da tổn thương, tình trạng viêm nặng hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Có thể sử dụng băng cá nhân để băng kín khu vực ngứa để bảo vệ da và hạn chế việc gãi gây tổn thương da.

Sử dụng sữa tắm:
Sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, không mùi và không chất tẩy sẽ tránh làm cho da bị kích ứng. Rửa sạch vùng da tiếp xúc với xà phòng thật sạch bằng nước ấm.
Sử dụng máy tạo độ ẩm:
Môi trường khô lạnh hoặc nóng ẩm đều có thể khiến tình trạng viêm da cơ địa nặng thêm. Vì vậy, nên sử dụng máy tạo độ ẩm kết hợp với điều hòa để không khí trong nhà để cân bằng độ ẩm, tránh đổ mồ hôi...

Lựa chọn quần áo phù hợp:
Dù ở nhà hay đi làm, người bệnh vẫn cần chọn loại trang phục phù hợp nhằm giảm kích ứng da, giảm ngứa.
- Nên sử dụng trang phục thoải mái, rộng rãi, thoáng mát, chất liệu mềm, thấm mồ hôi tốt...
- Tránh mặc quần áo bó và chất liệu vải thô cứng...

Lưu ý:
Các phương pháp điều trị tại nhà chỉ mang tính chất hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nếu tình trạng viêm da cơ địa không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị dân gian
Người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để điều trị viêm da cơ địa như tắm lá thuốc: lá kinh giới, lá tía tô, lá khế,...

Lưu ý:
Bệnh nhân cần hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng mẹo dùng lá tắm tại nhà, tránh trường hợp dị ứng với thảo dược.
> Xem chi tiết về Trẻ bị viêm da cơ địa tắm lá gì?
Các loại thuốc trị bệnh
Các loại kem bôi trong điều trị viêm da cơ địa giúp giảm ngứa, giảm viêm và mau lành da.

Các loại kem bôi thông thường được phân loại:
- Nhóm 1: Là nhóm thuốc siêu mạnh với các đại diện như kem condrane tape (flurandrenolide); mỡ temovate 0,05 (clobetasol propionate); kem mỡ ultravate 0,05 (halobetasol propionate); mỡ diprolene 0.05 (betamethasone dipropionate).
- Nhóm 2, 3: Là nhóm tương đối mạnh, gồm các đại diện như mỡ maxivate 0,05 (betamethason dipropionate); kem mỡ topicort 0,25 (desoximetasone); kem mỡ aristocort 0,5 (triamcinolone acetonide); lifedovate 0.05 (clobetasone butyrate).
- Nhóm 4, 5: Là nhóm vừa, gồm mỡ benison 0,025 (betamethazon benzoate); mỡ kem synalar 0,025 (fluocinolon acetonide); Kem cloderm 0,1 (clocortolone pivalate); kem valisone 0,1 (Betamethason valerate).
- Nhóm 6, 7: Là nhóm nhẹ, bao gồm: Kem celestone 0,2 (bethamethason valerate); kem medrol 0,25 (methyl prednisolon).
Phân loại chỉ định thuốc theo các giai đoạn bệnh:
Tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân. Theo đó, các thuốc được phân loại chỉ định cho giai đoạn bệnh như sau:
- Nhóm 1, 2: Chỉ định viêm da cơ địa người lớn dai dẳng Liken hoá; biến chứng eczema bàn tay nặng, eczema dày sừng và khi điều trị thuốc nhóm 3-5 ko đáp ứng.
- Nhóm 3 - 5: Chỉ định cho trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ lớn và người lớn và khi dùng thuốc nhóm 6-7 không đáp ứng.
- Nhóm 6 - 7: Chỉ định cho da trẻ em hoặc da nhạy cảm...
Trường hợp sử dụng thuốc bôi thông thường không đỡ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc sovalimus. Đây là chỉ định điều trị cho những bệnh nhân bị viêm da cơ địa mức độ vừa và nặng khi không hiệu quả các thuốc điều trị thông thường nêu trên.
Các thuốc khác trong viêm da cơ địa
- Kháng histamin h1 như fexotadine, loratadine... có tác dụng giảm ngứa.
- Thuốc bôi khử khuẩn và diệt khuẩn tại chỗ có thể có kèm corticoid chống viêm như sunfadiazin bạc, diretlex...
- Thuốc chống nhiễm trùng dạng kem kháng sinh được dùng khi da bội nhiễm vi khuẩn, tổn thương da nứt. Người bệnh cũng có thể sẽ phải uống kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm khuẩn.
Trường hợp nặng hơn, khi điều trị bằng các thuốc bôi tại chỗ không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid đường uống như thuốc prednisone sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài.
> Xem chi tiết về Những loại thuốc trị viêm da cơ địa tốt nhất.
Điểm cần chú ý khi bị bệnh viêm da cơ địa
Đối với bệnh nhân viêm da cơ địa, việc tuân thủ chế độ chăm sóc và điều trị khoa học là yếu tố tiên quyết để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
Chế độ dinh dưỡng:
- Hạn chế tối đa các tác nhân dị ứng: Thực phẩm giàu protein (hải sản, thịt bò, trứng, sữa), các loại hạt (đậu phộng, điều, óc chó), đồ ăn cay nóng, chất kích thích (rượu bia, cà phê) đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm.
- Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất: Rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá béo cung cấp dưỡng chất thiết yếu, hỗ trợ quá trình tái tạo và phục hồi da.
- Uống đủ nước: Duy trì độ ẩm tự nhiên của da, đồng thời hỗ trợ quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Chế độ sinh hoạt:
- Tuyệt đối tránh gãi, chà xát: Hành động này có thể gây tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể dùng khăn mềm thấm nước mát để làm dịu da là biện pháp thay thế an toàn và hiệu quả.
- Lựa chọn trang phục phù hợp: Ưu tiên chất liệu cotton mềm mại, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, tránh các loại vải thô ráp, dễ gây kích ứng.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích ứng: Xà phòng, nước hoa, mỹ phẩm, hóa chất tẩy rửa, bụi bẩn, lông động vật đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da.
- Vệ sinh da đúng cách: Tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm, không quá nóng, sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa hương liệu và chất tạo màu.
- Quản lý căng thẳng: Stress là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát viêm da cơ địa. Tập thể dục, yoga, thiền định là những phương pháp hữu ích giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc: Trong quá trình phục hồi và tái tạo của cơ thể, giấc ngủ giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.
Điều trị:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Sử dụng thuốc bôi ngoài da, thuốc uống kháng histamin, corticoid theo đúng chỉ định, không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc.
- Kết hợp với các phương pháp hỗ trợ: Đông y, quang trị liệu, liệu pháp miễn dịch có thể được áp dụng để tăng cường hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục.
Theo dõi và tái khám định kỳ:
- Theo dõi sát sao diễn biến bệnh, ghi nhận các triệu chứng và yếu tố kích thích để chia sẻ với bác sĩ.
- Tái khám theo lịch hẹn để được đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
> Đọc các bài viết về viêm da cơ địa trên Ykhoangaynay.com)
(Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ các bài viết:
1. Bỏ túi cách chữa viêm da cơ địa dân gian an toàn hiệu quả của Sở Y tế Thái Nguyên
2. Điều trị viêm da cơ địa ai cũng cần biết của Sở Y tế Nghệ An).
Tin khác
Cẩm nang chăm sóc bé: Đề phòng tai nạn và ngộ độc ở trẻ con
Một khi tai nạn xảy đến thì chỉ trong tích tắc trẻ con có thể bị gãy chân, sứt tay, mù mắt,... thậm chí vong mạng nữa. Do đó, với mỗi kỹ năng mới mà em bé của bạn học được trong quá trình phát triển, bé như "người điếc không sợ súng" nên rất dễ bị tai nạn hay ngộ độc.
Phẫu thuật điều trị áp xe phổi: Giải pháp hiệu quả cho bệnh nhân
Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, trong đó nhu mô phổi bị hoại tử và tạo thành các ổ mủ sau giai đoạn viêm cấp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người trung niên và những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm.
Phương pháp điều trị áp xe vú
Áp xe vú là tình trạng hình thành ổ mủ bên trong bầu vú, xung quanh được bao bọc bởi mô viêm, và thường phát triển từ các ổ viêm tại vùng vú. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú, trong khi đối với những phụ nữ khác thì khá hiếm gặp.
Bệnh áp xe vú nguy hiểm như thế nào?
Áp xe vú là một dạng nhiễm trùng ở mô vú, do vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau sinh và trong giai đoạn cho con bú.
Kiến thức về áp xe vú: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị
Khoảng 10% – 33% các bà mẹ cho con bú gặp phải tình trạng nhiễm trùng vú, có thể dẫn đến áp xe vú. Vậy áp xe vú là tình trạng như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh do đâu và các triệu chứng nhận biết ra sao? Bác sĩ sẽ chẩn đoán và áp dụng phương pháp điều trị nào để khắc phục?
Phương pháp điều trị viêm cơ tim hiệu quả và hướng dẫn chăm sóc phục hồi
Dựa vào tình trạng và mức độ bệnh lý của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị viêm cơ tim phù hợp nhất. Việc nắm rõ các phương pháp điều trị và cách chăm sóc bệnh nhân viêm cơ tim là yếu tố quan trọng giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.