Thông tin Y khoa: Bệnh động kinh (Tên Tiếng Anh: Epilepsy)
Khuynh hướng hay xảy ra các cơn co giật tái phát hay sự suy biến nhất thời về một hoặc vài chức năng của não.
Các cơn động kinh được xem là những bất thường thoáng qua về thần kinh do hoạt động điện bất thường trong não. Các hoạt động của con người như suy nghĩ, nhận thức, tư duy và xúc cảm thường là kết quả của sự kích thích điện được kiểm soát có trật tự của các tế bào thần kinh trong não. Trong cơn động kinh, xảy ra sự phóng điện lộn xộn và không được kiểm soát. Trong một số trường hợp, một kích thích như ánh chớp loé lên gây ra chuỗi các bất thường đó nhưng thường thì các cơn động kinh xuất hiện không có tác nhân kích ứng rõ ràng.
Nhiều người bị động kinh vẫn sống bình thường, cũng không biểu lộ triệu chứng trong thời gian giữa các cơn. Một số người có thể cảm nhận cơn động kinh sắp đến, bởi họ có những tiền triệu (cảm giác bồn chồn, không yên hay khó chịu) gần ngay trước khi xảy ra động kinh.
Nguyên nhân
Động kinh là một triệu chứng rối loạn chức năng của não giống các triệu chứng ở các bộ phận khác của cơ thể, có thể là do nhiều bệnh hoặc chấn thương. Các cơn động kinh có thể liên quan tới chấn thương ở đầu, chấn thương lúc sinh, nhiễm trùng não (viêm màng não, viêm não), u não, đột quỵ, ngộ độc thuốc, cai ma tuý, cai rượu, hay rối loạn chuyển hóa. Khuynh hướng phát các cơn động kinh có thể không có lý do rõ ràng hoặc do yếu tố di truyền.
Tỷ lệ mắc bệnh
Cứ trong 200 người, có một người bị động kinh. Rối loạn thường bắt đầu từ thời thơ ấu, niên thiếu. Nhiều người khỏi bệnh động kinh mà không cần dùng thuốc.
Phân loại
Có thể phân loại các cơn động kinh thành hai nhóm lớn. Các cơn toàn thân và các cơn cục bộ.
Dạng cơn co giật phụ thuộc vào việc cơn phát ra ở vùng nào của não, lan rộng, nhanh bao nhiêu từ điểm xuất phát.
Các cơn toàn thân gây mất ý thức, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, thường xuất phát từ một diện rộng của não. Có hai thể chính của cơn toàn thân: cơn lớn và cơn vắng ý thức (cơn nhỏ).
Các cơn cục bộ thường do tổn thương của một vùng giới hạn của não. Các cơn cục bộ được chia thành các cơn đơn giản và các cơn phức tạp. Trong cả hai thể trên, sự rối loạn về điện có thể lan tỏa và ảnh hưởng tới toàn não gây ra cơn toàn thể.
Cơn lớn
Trong thể này của cơn toàn thể, người bệnh ngã vật bất tỉnh, toàn thân cứng đờ, sau đó, co giật, không thể kiểm soát được. Lúc đầu có thể có tiếng rên, sau đó thở yếu hay thở không đều trong lúc đang lên cơn. Sau cơn, các cơ giãn, không thể kiểm soát đại, tiểu tiện. Người bệnh có thể lú lẫn và mất phương hướng, có lẽ có đau đầu, thường thì bệnh nhân buồn ngủ. Sau vài giờ, các ảnh hưởng mất đi.
Người bệnh không nhớ được những sự việc mới xảy ra. Các cơn động kinh kéo dài, động kinh liên tục, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu.
Cơn vắng ý thức (cơn nhỏ)
Thể này thuộc cơn toàn thể, trong đó có sự mất trì giác nhất thời, không có các cử động bất thường, xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Có một khoảng thời gian trống kéo dài vài giây tới nửa phút hoặc hơn nữa mà trong thời gian đó, người bệnh không ý thức được gì cả. Với người ngoài đứng quan sát, thấy người bệnh có vẻ mơ màng, thờ ơ, cơn động kinh có thể qua đi mà không nhận thấy. Cơn nhỏ có thể xảy ra nhiều lần một ngày, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập ở trường.
Cơn cục bộ đơn giản
Ở thể cục bộ này người bệnh văn giữ được nhận thức. Cử động co cơ bất thường, cảm giác ngứa ran, thậm thí ảo giác về mùi, vị, ảo ảnh xảy ra không có báo trước, kéo dài vài phút.
Động kinh Jackson là một thể bệnh, trong đó sự co giật xảy ra và truyền lan từ từ, từ phần này đến phần khác của cơ thể ở cùng bên. Người bệnh vẫn ý thức được trong lúc sự việc xảy ra và có thể nhớ lại chi tiết.
Cơn cục bộ phức tạp
Ở loại này, còn gọi là động kinh thùy thái dương, sẽ mất ý thức với sự vật xung quanh. Có hành vi bất thường, không để nhận ra là do động kinh.
Người bệnh bị choáng váng, có thể không trả lời được câu hỏi. Các hành động vô tình như rờ rẫm cúc áo, chép môi, đôi khi xảy ra. Các hành động này được gọi là các hành vi tự phát, hãn hữu có thể dưới dạng kỳ quặc hơn. Đặc biệt, nếu có thể nhớ được, người bệnh cũng chỉ nhớ chút ít về một vài sự việc mới xảy ra.
Phòng ngừa
Nhiều bệnh nhân động kinh cảm nhận được cơn bệnh vào những lúc vô cùng mệt nhọc hoặc căng thẳng. Các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nếu có sốt, cũng hạ thấp ngưỡng cơn bệnh. Bằng cách tránh tình trạng đó và uống đều đặn các loại thuốc đã được kê đơn, người bệnh động kinh có thể giảm được tần suất lên cơn. Đôi khi, người bệnh động kinh áp dụng kỹ thuật làm xao nhãng có thể xóa bỏ cơn co giật ngay khi bắt đầu có tiền triệu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán, bác sĩ cần thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về các cơn bệnh của bệnh nhân, Bệnh nhân thường không nhớ gì, có thể lấy thông tin từ những người chứng kiến.
Sau khi thăm khám hoàn chỉnh hệ thống thần kinh, bác sĩ yêu cầu làm điện não đồ để hỗ trợ cho chẩn đoán. Điều quan trọng cần hiểu rằng, điện não đồ không phải lúc nào cũng khẳng định hoặc phủ định chẩn đoán động kinh. Kết quả cần phải được cân nhắc căn cứ vào triệu chứng và dấu hiệu của người bệnh.
Ở một số trường hợp, điện tâm đồ (theo dõi nhịp đập của tim) được thực hiện để loại trừ loạn nhịp tim, là nguyên nhân gây mất nhận thức ở người lớn. Chụp cắt lớp điện toán hoặc chụp MRI cùng các xét nghiệm máu, cũng có thể được tiến hành.
Điều trị
Có nhiều ý kiến bất đồng là liệu có nên điều trị một cơn động kinh riêng rẽ hay không. Các bác sĩ đều tán thành việc những người bị các cơn động kinh tái diễn cần uống các loại thuốc chống co giật.
Các thuốc chống co giật là điều trị hàng đầu đối với động kinh, trong hầu hết trường hợp, làm giảm được tần suất động kinh. Các loại thuốc này có tác dụng phụ gồm buồn ngủ và mất tập trung. Thầy thuốc phải tìm một loại thuốc có tác dụng tốt nhất. Với trường hợp động kinh rất nặng, phải phối hợp nhiều loại mới kiểm soát được các cơn bệnh. Trong thời gian hai, ba năm không xảy ra các cơn động kinh (tùy thuộc vào nguyên nhân động kinh), thầy thuốc có thể nghĩ đến việc giảm hoặc ngừng điều trị bằng thuốc.
Hãn hữu phải tính đến phẫu thuật nếu cho rằng chỉ có một vùng não duy nhất bị tổn thương (thường ở vùng thái dương) gây ra các cơn động kinh, và nếu như điều trị bằng thuốc không có hiệu quả.
Tiên lượng
Nếu cơn động kinh phát sinh trong thời thơ ấu và có tiền sử gia đình chắc chắn về bệnh này, có cơ may bệnh sẽ thuyên giảm sau tuổi thiếu niên, thậm chí bệnh có thể biến mất hoàn toàn. Song, động kinh thùy thái dương, hoặc do tổn thương não gây ra, việc kiểm soát các cơn động kinh sẽ khó hơn. Một phần ba số bệnh nhân bị động kinh cuối cùng sẽ khỏi bệnh mà không bị lên cơn nữa. Một phần ba khác, đáp ứng với điều trị, có các cơn bệnh thưa hơn. Một phần ba còn lại, bệnh không thuyên giảm.
Những người bị động kinh thường vẫn có khả năng làm việc, những rối loạn sẽ hạn chế việc lựa chọn nghề nghiệp của họ. Có các quy định hạn chế việc cấp bằng lái xe cho những người bị động kinh. Trừ trường hợp các cơn động kinh được khống chế rất tốt, nên tránh các nghề có nguy cơ rủi ro cao, như các nghề phải leo cao, hoặc làm việc với máy móc nguy hiểm hay các môn thể thao như trượt tuyết…
Nhiều bệnh nhân động kinh mang theo một thẻ đặc biệt, hoặc vòng tay để chỉ ra rằng họ có bệnh động kinh. Các bệnh nhân động kinh nên nói cho các bạn đồng nghiệp cách xử lý nếu xảy ra cơn động kinh.
Những việc cần làm trước một cơn động kinh
Đa số các cơn động kinh nặng chỉ kéo dài một, hai phút, ít đòi hỏi người ngoài giúp đỡ. Toàn bộ công việc cần thiết là cứ để cho cơn động kinh diễn ra, nhưng phải kiểm tra xem người bệnh có gặp nguy hiểm thực thể và có thở được không trong lúc bất tỉnh.
Không được khống chế người bệnh, không được hạn chế các cử động của bệnh nhân. Bất kỳ một loại đồ mặc nào thít chặt ở cổ cần được nới lỏng, kê vật mềm dưới đầu.
Không được tìm cách mở miệng bệnh nhân, không được chêm vật gì vào giữa hai hàm răng. Khi vừa hết các cơn co giật, phải đặt bệnh nhân ở tư thế hồi sức.
Cần gọi xe cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài trên năm phút, nếu có một cơn khác tiếp nối ngay sau cơn đầu hoặc vài phút sau khi hết cơn mà bệnh nhân không tỉnh lại.
Tài liệu và thông tin trong bài viết này được trích dẫn từ cuốn Từ điển Bách khoa Y học Anh Việt A-Z mà tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.
Thông tin Y khoa: Gây tê ngoài màng cứng (Tên Tiếng Anh: Epidural anaesthesia)
Tin khác
Thông tin Y khoa: Viêm nắp thanh quản (Tên Tiếng Anh: Epiglottitis)
Nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nặng, đôi khi gây tử vong.
Thông tin Y khoa: Nắp thanh quản (Tên Tiếng Anh: Epiglottis)
Nắp sụn nằm sau lưỡi và phía trước lỗ vào thanh quản.
Thông tin Y khoa: Gây tê ngoài màng cứng (Tên Tiếng Anh: Epidural anaesthesia)
Một phương pháp làm giảm đau, thuốc tê được tiêm vào khoang ngoài màng cứng (khoang quanh các màng bao quanh tủy sống) ở phần giữa hoặc phần dưới lưng làm tê các dây thần kinh chi phối ngực và nửa thân dưới.
Thông tin Y khoa: Viêm mào tinh - tinh hoàn (Tên Tiếng Anh: Epididymo - orchitis)
Viêm cấp tính tinh hoàn và mào tinh (ống cuộn khúc dẫn tinh trùng ra khỏi tinh hoàn).