Các giai đoạn của bệnh Zona thần kinh
Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng da với các biểu hiện rõ rệt. Người già, người có sức đề kháng yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt người nhiễm HIV/AIDS là những đối tượng dễ mắc bệnh. Bệnh có từng giai đoạn phát triển tương ứng với các biểu hiện khác nhau.
Một số thông tin cần biết về Zona thần kinh
Bệnh Zona thần kinh xuất hiện do sự tái hoạt của virus Varicella Zoster (VZV). VZV là loại virus gây nên bệnh thủy đậu nhưng khi hết bệnh lại không biến mất mà tồn tại ở các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống trong nhiều tháng, thậm chí lên đến hàng chục năm. VZV chờ đợi điều kiện thuận lợi như: cơ thể suy nhược, hệ miễn dịch suy giảm (do thần kinh, thể lực, do già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, stress, ung thư,...) để tái hoạt động.
Bệnh Zona hay herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da với sự xuất hiện của các ban đỏ, mụn nước, bọng nước tập trung thành vùng, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Biểu hiện của bệnh thường chỉ xuất hiện một phía của cơ thể.
Tỷ lệ mắc bệnh Zona: Theo thống kê thì có trên 10% bệnh nhân đã từng bị thủy đậu lúc nhỏ sẽ mắc phải Zona thần kinh khi về già.
Zona thần kinh thường biểu hiện ở nhiều vị trí, hình thành các thể bệnh khác nhau: Zona ở mắt, Zona ở tai, Zona ở môi, Zona cổ - vai - gáy, Zona hạch gối,...
> Xem chi tiết các thể bệnh thường gặp của Zona thần kinh tại đây
Các giai đoạn của bệnh Zona thần kinh
Giai đoạn tiền triệu: Cảm giác đau, dị cảm
Đây được xem là giai đoạn virus lan truyền dọc dây thần kinh. Trước khi vùng da bị chi phối bởi hạch thần kinh nhiễm virus bắt đầu các triệu chứng khoảng vài ngày thì cảm giác đau sẽ xuất hiện. Sau đó người bệnh sẽ cảm nhận rõ sự nóng bỏng, đau nói, châm chích, tê rần theo từng cơn hoặc liên tục, nhất là về đêm.
Hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1 - 5 ngày. Trong một số ít trường hợp (thường là trẻ em) trước khi phát ban sẽ kèm theo triệu chứng nhức đầu, khó chịu, có hiện tượng nóng sốt 1 - 2 ngày.
Giai đoạn phát ban
Khởi phát
Đây là lúc da xuất hiện các dát, những mảng đỏ, 12 - 24 giờ sau sẽ hình thành mụn nước. Các mụn nước có xu hướng mọc thành chùm, thành vệt, trong vùng phân bố của một hạch thần kinh cảm giác và sẽ tiến triển thành mụn mủ sau 3 ngày. Chúng tiếp tục hình thành trong 1 - 4 ngày nữa (có thể kéo dài đến 7 ngày). Dần dần mụn nước khô và đóng mài lõm trung tâm rồi bong tróc dần trong 1 - 2 tuần.

Quá trình "biến đổi" mụn nước ở bệnh Zona thần kinh
Toàn phát
1. Tổn thương da
Phạm vi tổn thương: Thường chỉ xảy ra một bên cơ thể, không vượt quá đường giữa cơ thể và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên vẫn sẽ có trường hợp mụn nước ở đối bên. Nguyên nhân là do các nhánh thần kinh nhỏ "lấn sang" hoặc do vài mụn nước rời rạc nằm ngoài vùng của hạch thần kinh cảm giác bị bệnh.
Vị trí thường gặp: vùng mặt (tương ứng với dây thần kinh sinh ba), đặc biệt là nhánh mắt, vùng thân mình (tương ứng với vùng phân bố của hạch thần kinh T3 - L2).

Mức độ tổn thương: Người cao tuổi tổn thương nhiều, diện rộng, đau nhức kéo dài; mụn nước, bọng nước có thể xuất huyết, hoại tử da, nhiễm khuẩn, sẹo xấu. Ở người suy giảm hệ miễn dịch, bệnh có thể kèm theo nhiều tổn thương rải rác như thủy đậu, tổn thương nhiều dây thần kinh, thậm chí có thể tổn thương ở nội tạng (còn gọi là Zona lan tỏa). Ngược lại ở trẻ em phát ban thường nhẹ, tổn thương ít, mau lành hơn.
2. Cảm giác đau nhức
Đau xuất hiện sớm (có thể trước cả những tổn thương ngoài da và thay đổi trong thời gian bệnh tiến triển)
Mức độ đau: đa dạng, từ nhẹ như cảm giác rát bỏng, âm ỉ tại chỗ đến nặng như kim châm, giật từng cơn. Người trẻ tuổi thường đau ít, ngược lại ở người lớn tuổi sự đau được chia thành từng cơn, kéo dài. Thậm chí khi tổn thương ngoài da đã lành, cảm giác đau vẫn còn, thường được gọi là đau sau zona.
Trường hợp hiếm gặp, Zona chỉ biểu hiện thông qua cảm giác đau nhức và rối loạn cảm giác mà không có tổn thương da.
3. Hạch bạch huyết vùng lân cận thường sưng to, đau.
4. Các rối loạn cảm giác khác: rối loạn bài tiết mồ hôi, vận mạch, phản xạ dựng lông. Nhưng đây là các biểu hiện hiếm gặp.
Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ
1. "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu" của Bộ Y tế số 75/QĐ - BYT 2015; bạn có thể xem báo cáo tại kcb.vn
2. Giáo trình "Bài giảng Bệnh da liễu" của GS.TS Nguyễn Văn Út - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu của Trường Đại học Y dược TP. HCM; bạn có thể xem chi tiết giáo trình tại giaotrinhpdf.com
Tin khác
Viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em là tình trạng viêm cấp của màng bồ đào (MBĐ), có thể xảy ra ở MBĐ trước, MBĐ trung gian, MBĐ sau hoặc toàn bộ MBĐ.
Viêm loét giác mạc do amip (acanthamoeba): Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Loét giác mạc do acanthamoeba là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc do acanthamoeba.
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính là hình thái dị ứng nhanh của viêm kết mạc dị ứng khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên.
Kiến thức về bệnh sốt rét ở trẻ em
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do kí sinh trùng Plasmodium gây nên, lây truyền theo đường máu. Bệnh lưu hành địa phương và có thể gây thành dịch. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi Anopheles.
Trẻ em ăn chay được không?
Ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, chuyển hóa, tiêu hoá, ung thư, ... Với nhiều lợi ích sức khỏe, hiện nay khuynh hướng ăn chay đang ngày càng phổ biến cho mọi độ tuổi từ già đến trẻ, nhiều gia đình chuyển hẳn sang chế độ ăn chay trường và thậm chí cho trẻ em ăn từ bé.
Cẩm nang chăm sóc bé: Ho và cảm cúm (phần 2)
Cảm cúm ở trẻ em là bệnh lý phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, các triệu chứng của cảm cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, khiến nhiều bậc phụ huynh chủ quan trong việc chăm sóc trẻ.