Thái An |  03/08/2024

Bệnh dịch hạch: Dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử với tên gọi 'cái chết đen'

Bệnh dịch hạch từng gây ra cái chết cho hàng chục triệu người ở những thế kỷ trước. Đến nay, căn bệnh này vẫn khiến nhiều người lo ngại.

Bác sĩ bệnh dịch hạch đeo mặt nạ hình mỏ chim quái dị. Ảnh minh họa: Depositphotos

Dịch hạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người và được gắn liền với "Cái chết đen" - đợt bùng phát dịch hạch trên diện rộng ở châu Âu và châu Á vào những năm 1300.

Ngày nay, dịch hạch vẫn tồn tại nhưng chỉ lẻ tẻ vài ca ở một số nơi trên thế giới. Ví dụ giữa tháng 2/2024, bang Oregon của Mỹ thông báo dịch hạch quay trở lại sau 8 năm kể từ 2015.

Dù chỉ ghi nhận một người mắc bệnh và không có nguy cơ lây lan diện rộng, chính quyền bang vẫn phải nhanh chóng can thiệp để hạn chế nguy cơ bùng dịch, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp an toàn để tránh lây nhiễm.

> Xem chi tiết về bệnh dịch hạch

Đại dịch kinh hoàng

Trước khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh dịch hạch, thế giới đã phải trải qua 3 trận đại dịch "khét tiếng".

Theo các nhà sử học cổ đại, lần bùng dịch đầu tiên được ghi nhận là vào năm 542 Công nguyên. Đại dịch này được gọi là Dịch hạch Justinian - đặt tên theo hoàng đế Byzantine Justinian I.

Theo sử sách ghi lại, dịch hạch khiến khoảng 10.000 người tử vong mỗi ngày ở Constantinople, nay là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Các nhà nghiên cứu ước tính gần một nửa dân số châu Âu, tương đương 100 triệu người, đã bị dịch hạch cướp đi mạng sống, trước khi sóng dịch giảm dần vào những năm 700 Công nguyên.

Đến những năm 1300, bệnh dịch hạch quay trở lại với đợt tàn sát chưa từng có trong lịch sử và được gọi là "Cái chết đen".

Có khoảng 10.000 người chết mỗi ngày vì dịch hạch vào năm 542 Công nguyên. Ảnh minh họa: BBC.

Theo National Geographic, "Cái chết đen" được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 1334. Sau đó, dịch bệnh lan rộng dọc theo các tuyến đường thương mại, rồi lan đến châu Âu thông qua cảng Sicilia vào cuối những năm 1340.

Chỉ tính riêng ở châu Âu, dịch hạch đã khiến khoảng 25 triệu người thiệt mạng, tức là khoảng 1/3 dân số ở lục địa này.

London cũng không nằm ngoài sóng dịch khi chỉ trong một năm, từ 1665-1666, 70.000 người trong thành phố tử vong vì dịch hạch. Con số này tương đương với 15% dân số London thời bấy giờ.

Một số tài liệu nêu rằng con số tử vong trong Đại dịch hạch London thậm chí lớn hơn, lên đến 100.000 người.

Đợt bùng phát dịch hạch toàn cầu gần nhất bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 1860 và kéo dài đến tận năm 1959. Nhưng thời điểm đó, các nhà khoa học nói rằng dịch bệnh vẫn chưa thực sự kết thúc.

Vào những năm 1900, khi dịch hạch ở Trung Quốc chưa được kiểm soát, mầm bệnh đã được "chở" đến Bắc Mỹ theo đường biển và sau đó lây bệnh cho những động vật có vú nhỏ trên khắp nước Mỹ.

Đại dịch lần đó ở Trung Quốc giết chết khoảng 10 triệu người nhưng một điểm sáng là giới khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Thủ phạm gây ra bệnh dịch hạch

Trải qua hàng thế kỷ mơ hồ vì không tìm được nguyên nhân gây bệnh, cuối cùng, nhân loại cũng tìm ra được lý do chính thức.

Vào năm 1894, bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện vi khuẩn gây bệnh dịch hạch là Yersinia pestis.

Yersinia pestis là một loại vi khuẩn hình que cực độc. Nó có thể vô hiệu hóa hệ thống miễn dịch của vật chủ bằng cách "tiêm" chất độc vào các tế bào phòng vệ. Ví dụ đại thực bào - tế bào đóng vai trò phát hiện mầm bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Một khi đại thực bào bị tiêu diệt, vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở mà không bị cản trở.

Nhiều loài động vật có vú nhỏ như chuột, sóc, chó cỏ, thỏ... cũng trở thành vật chủ của Yersinia pestis. Khi ký sinh vào động vật, vi khuẩn hình que có thể lây lan với tốc độ thấp và hầu như không thể phát hiện vì nó không gây ra dịch bệnh.

Chuột được cho là con vật trung gian truyền dịch hạch sang người vì chúng có mối liên hệ mật thiết với con người ở khu vực thành thị. Vào năm 2018, các nhà khoa học phát hiện bọ chét chuột Xenopsylla cheopis chính là thủ phạm gây ra hầu hết ca dịch hạch ở người.

Cụ thể, khi loài gặm nhấm này chết vì dịch hạch, bọ chét sẽ nhảy sang vật chủ mới, cắn vật chủ rồi truyền vi khuẩn Yersinia pestis.

Ngoài ra, con người cũng có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với mô, máu của động vật nhiễm dịch hạch, hoặc hít phải giọt bắn mang mầm bệnh.

Dịch hạch có nhiều loại và dấu hiệu cũng khác nhau. Ảnh: Healthline.

Các loại bệnh dịch hạch bạn cần biết

Hiện nay, dịch hạch được chia làm 3 loại là dịch hạch thể hạch (Bubonicplague), dịch hạch gây nhiễm trùng máu (Septicemic plague) và dịch hạch thể phổi (Pneumonic plague), theo Healthline.

Nếu so sánh 3 loại này, dịch hạch thể phổi nghiêm trọng nhất, nhưng rất ít gặp trong tự nhiên, còn dịch hạch thể hạch phổ biến hơn và chiếm hơn 75% trường hợp mắc bệnh.

Dịch hạch thể hạch thường lây qua vết cắn của bọ chét nhiễm mầm bệnh. Một số trường hợp hiếm hơn thì người bệnh có thể bị lây khi tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh.

Vi khuẩn sẽ đi vào hệ thống bạch huyết, gây ra các hạch bạch huyết sưng to và rất đau ở vùng háng, nách hoặc cổ. Những vết sưng có thể lở loét và biến thành màu đen. Cái tên "Cái chết đen" cũng ra đời từ nguyên nhân này.

Triệu chứng của dịch hạch thể hạch thường xuất hiện trong vòng 2-8 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, háng hoặc ở những nơi trầy xước, bị côn trùng cắn.

Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể đi vào máu (gây ra dịch hạch nhiễm trùng máu) và đi vào phổi (gây ra dịch hạch thể phổi).

Nguồn: Báo ZingNews

Tin khác

Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt (phần 2)

Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt (phần 2)

Tại sao trẻ con bị sốt - Sốt cũng có lợi cho sức khoẻ - Cách đo thân nhiệt, đánh giá mức độ nóng sốt và cách xử trí khi trẻ bị nóng sốt.

Sự kiện Y Khoa  - 
Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt

Cẩm nang chăm sóc bé: Chăm sóc khi trẻ bị sốt

Tại sao trẻ con bị sốt - Sốt cũng có lợi cho sức khoẻ - Cách đo thân nhiệt, đánh giá mức độ nóng sốt và cách xử trí khi trẻ bị nóng sốt.

Sự kiện Y Khoa  - 
Cẩm nang chăm sóc bé: Dùng thuốc ở trẻ con

Cẩm nang chăm sóc bé: Dùng thuốc ở trẻ con

Người ta thường nghĩ rằng trị bệnh là phải dùng thuốc. Nhưng thuốc không phải là yếu tố quyết định số một trong việc chăm lo sức khoẻ cho trẻ con, mà còn có những nguyên tắc và yếu tố khác, nhiều khi quan trọng hơn.

Tài liệu Y học  - 
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách con ăn dặm

Cẩm nang chăm sóc bé: Cách con ăn dặm

Ăn dặm không có nghĩa là dứt hẳn ngay sữa mẹ, mà vẫn cứ tiếp tục cho bú, làm sao cho khi thôi nôi mà mỗi ngày còn “bú tí mẹ” được khoảng nửa lít thì tốt, kể như cũng được hưởng khoảng 350 Calo trên tổng số 1.100 Calo nhu cầu năng lượng lúc 1 tuổi.

Tài liệu Y học  - 
Cẩm nang chăm sóc bé: Sự phát triển trí tuệ và thể chất trẻ con

Cẩm nang chăm sóc bé: Sự phát triển trí tuệ và thể chất trẻ con

Cứ mỗi 16 giây trôi qua là nước ta có thêm một công dân mới ra đời. Dù cho số phận của mỗi người chúng ta như thế nào đi nữa, thì khi sinh con, ai cũng muốn có được những đứa con khoẻ mạnh và thông minh, lanh lợi hơn người…

Sự kiện Y Khoa  - 
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách chăm sóc trẻ thơ

Cẩm nang chăm sóc bé: Cách chăm sóc trẻ thơ

Việc chăm sóc trẻ thơ rất phức tạp và sẽ được lần lượt trình bày trong tập cẩm nang này. Trong kỳ này, chúng tôi chỉ nêu một số điều lưu ý nhất mà thôi.

Sự kiện Y Khoa  -