Chẩn đoán bệnh ung thư như thế nào

Qua thăm khám sức khỏe định kỳ có thể rà tìm biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, đại - trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm.

Việc định bệnh

Thường bắt đầu bằng việc người bệnh cho biết vài triệu chứng tổng quát hoặc vài triệu chứng chức năng nào đó. Rồi thầy thuốc mới thăm hỏi kỹ lưỡng. Có khi vài triệu chứng cũng giúp xác định: ho dai dẳng, khạc đàm, phân lẫn máu, xuất huyết âm đạo bất thường. Bác sĩ lần theo rồi chú tâm kỹ vào một bộ phận nào đó. Đừng hoảng hốt, các xáo trộn này không cứ là đặc hiệu của ung thư mà có thể là các bệnh khác.

Thăm hỏi và khám kỹ hơn, thầy thuốc có thể tìm ra một khối bướu hiển nhiên, như một cục u ở vú, hạch cổ lớn ra, một khối trong bụng, chỗ sưng ở tay chân, vết loét da...

Khám thực thể bằng cách nghe, gõ, sờ nắn thật tỉ mỉ. Lúc này việc định bệnh vẫn còn là giả định thôi và phải nhờ đến các phương pháp thử khác (xét nghiệm cận lâm sàng). Các xét nghiệm này dẫn đến việc nghi ngờ một ung thư của dạ dày, ruột, vú, phổi hoặc xương, giúp định rõ cơ quan bị bướu và trong đa số tình huống thì cung cấp đủ chứng cứ để chẩn đoán là ung thư.

Thử máu (các xét nghiệm sinh học) có thể giúp: biết bệnh bạch cầu (ung thư máu), tìm các loại hormon để chẩn đoán ung thư lá nhau, đo lượng PSA tìm ung thư tuyến tiền liệt, đo AFP để xác định ung thư gan, lượng CEA giúp theo dõi ung thư ruột, đo CA125 và HE4 rà ung thư buồng trứng.

Thầy thuốc ngày nay như có mắt thần

Nội soi là dùng ống soi mềm đưa vào họng, thanh quản, cuống phổi, dạ dày, ruột, giúp thầy thuốc tìm ra vết loét, khối bướu nhỏ rồi sinh thiết.

Đầu dò siêu âm giúp thấy được bướu bên ngoài (tuyến giáp, vú...) hoặc trong người (gan, thận, buồng trứng...) và hướng dẫn sinh thiết. Các thiết bị tân kỳ như cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MRI), PET cho biết khối bướu nằm đâu trong cơ quan nào, lớn nhỏ cỡ nào.

Nội soi là phương pháp cho phép nhìn vào bên trong một hang hốc của cơ thể nhờ một dụng cụ có gắn bộ phận soi sáng, đó là dụng cụ nội soi.

Nhiều cơ quan (thanh quản, họng, dạ dày, cuống phổi, bọng đái...) đều có thể được khám bằng nội soi, mỗi cơ quan có loại dụng cụ nội soi riêng. Đưa vào hậu môn, có thể thám sát cả chiều dài ruột già. Soi cuống phổi thăm dò khí quản và các cuống phổi. Soi dạ dày (nội soi trên) thám sát thực quản và dạ dày. Ống soi mềm thường không gây đau đớn. Việc sử dụng các ống nội soi mềm trở nên thông dụng và chính xác đối với thầy thuốc và chỉ gây khó chịu tối thiểu đối với người bệnh.

Siêu âm. Một máy siêu âm có ba phần: một bàn kiểm tra, một màn hình và một đầu dò giống như con chuột vi tính.

Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên đưa đi đưa lại đầu dò trên vùng cơ thể cần xem. Đầu dò phát ra các siêu âm và nhận các âm dội.

Bộ phận vi tính trong máy siêu âm sẽ phân tích các tín hiệu và hiển hiện hình ảnh trên màn hình vi tính. Hình dạng và cường độ của các âm dội tùy thuộc vào mức độ đậm lợt của mô được rà siêu âm.

Siêu âm không thể phân biệt chính xác một bướu lành và bướu ác. Các bác sĩ thường dùng siêu âm xác định vị trí để đâm kim làm sinh thiết lấy một mẫu mô nhỏ hoặc chọc hút một chút chất dịch để xem trên kính hiển vi.

Siêu âm là loại xét nghiệm rất an toàn, không có hại gì.

Siêu âm rất rẻ so với CT và MRI.

Cắt lớp điện toán (chụp CT). Cắt lớp điện toán dịch từ tiếng Anh Computed Tomography hay là CT Scan (Scan có nghĩa là rà tìm). Máy CT đầu tiên ra đời năm 1972.

Từ thập niên 1970, máy rà CT cho thấy hết sức có giá trị trong việc phát hiện ung thư. CT cho thấy được hình dạng, kích thước, thể tích và vị trí của khối ung thư và có thể phát hiện được các mạch máu đến nuôi khối bướu. Ở một số trường hợp, CT có thể giúp bác sĩ xác định được một bướu lành hoặc một bướu ác (ung thư).

Rà CT đặc biệt hiệu quả khi dùng để phát hiện và đánh giá ung thư nằm ở gan, tuyến tụy, tuyến thượng thận, phổi và xương. Cũng được dùng để biết được các ung thư ruột, thực quản, dạ dày và não. Giúp xác định thời kỳ của ung thư. Lập lại CT nhiều lần giúp biết khối ung thư đáp ứng với việc điều trị ra sao, cũng như có thể tìm ra bệnh tái phát.

Cộng hưởng từ (chụp MRI). MRI dùng các từ trường mạnh thay vì các tia X như CT. Các hình tương tự những lát cắt của máy CT. Cộng hưởng từ có thể xem bất cứ phần nào của cơ thể. Cộng hưởng từ đặc biệt thuận lợi để phát hiện và định vị ung thư của hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), đầu, cổ và hệ xương cơ, cũng giúp bác sĩ tính trước được chiến lược mổ hoặc xạ trị. MRI thì đắt hơn CT, nhưng không bị tác hại của tia X như khi chụp CT.

Kết hợp PET/CT. Hai loại máy có thể cặp kè. Máy PET (positron emission tomography) cho các ảnh màu của các biến đổi hóa học trong các mô. Các khối ung thư thường hoạt động mạnh hơn mô bình thường, sẽ hiện ra khác thường ở hình ảnh PET. CT và PET cặp kè có thể cho hình ảnh toàn diện về vị trí của khối bướu, mức tăng trưởng và lan tràn rõ hơn là riêng từng loại.

Sinh thiết

Cho chẩn đoán chính xác. Thầy thuốc không dừng lại ở chỗ xác định có khả năng là ung thư, rồi thôi. Phải có được chẩn đoán chính xác nhất nhờ làm sinh thiết. Sinh thiết là lấy một miếng mô của khối bướu ở chỗ rờ được, thấy được thì tương đối dễ dàng (hạch cổ, vết loét ngoài da, một cục u ở vú). Nội soi bằng ống mềm giúp sinh thiết một khối u nằm sâu trong cuống phổi, dạ dày, ruột. Lắm khi phải mổ thăm dò để chẩn đoán và tiến hành điều trị luôn. Sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh (từ chuyên môn gọi là dạng vi thể hay dạng mô học) định được rõ ràng loại ung thư. Việc điều trị hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả này.

Ngày càng có thêm nhiều cách định rõ bệnh. Cần nhất là người bệnh phải quyết tâm và kiên trì điều trị chuẩn mực.

Nội soi, siêu âm, CT, MRI và PET cho thấy cơ thể con người trở nên trong suốt. Thầy thuốc như có mắt thần.

Ung thư: Biết sớm trị lành!

Ung thư: Biết sớm trị lành!

Tài liệu Y học  - 
Nhiều người vẫn xem ung thư là bản án tử hình. Không phải đâu! Ung thư biết sớm trị lành mà. Nên kiểm tra sức khỏe toàn diện đều đặn có lưu ý rà tìm ung thư....
Tình hình ung thư, các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam

Tình hình ung thư, các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam

Nghiên cứu mới  - 
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.

Tin khác

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z) là cuốn sách về kiến thức y học chuyên sâu với các từ tiếng Anh được giải thích bằng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu, có hệ thống và bảo đảm độ tin cậy, tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Sách y dược học  - 
Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Cuốn sách nổi tiếng này của tác giả GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã được NXB Tổng hợp TP HCM tái bản nhiều lần.

Sách y dược học  - 
 Sách hay nên đọc: 'Khi hơi thở hóa thinh không' - Bác sĩ Paul Kalanithi

Sách hay nên đọc: "Khi hơi thở hóa thinh không" - Bác sĩ Paul Kalanithi

"Khi hơi thở hóa thinh không" là một cuốn hồi ký đầy xúc động và sâu sắc của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết cuốn sách trong những tháng cuối đời khi anh đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sách y dược học  -