Ebola, tên của một dòng sông

Từ năm 1976, khi biết bệnh Ebola đến nay, ở châu Phi có cả 1.000 người nhiễm bệnh hàng năm. Năm 2014, việc bùng phát mạnh nhất chuyển đến vùng Tây châu Phi, tấn công các nước Guinea, Sierra Leone, Liberia và mới đến Nigeria.

Sát thủ tàn độc

Bệnh virút Ebola (EVD- Ebola virus disease), trước kia có tên là sốt xuất huyết Ebola là một bệnh nặng thường gây tử vong ở người. Bệnh bùng phát bắt đầu tại các làng mạc ở Tây và Trung châu Phi, gần các vùng rừng rú nhiệt đới ẩm ướt. Virút được truyền từ thú vật hoang dã sang người và từ người sang người, lan tràn trong quần thể.

Mang tên một con sông, Ebola xuất hiện đầu tiên năm 1976 trong hai vụ bộc phát đồng thời ở nước Sudan và ở nước Zaire. Bùng phát ban đầu tại Sudan (Ebola Sudan) có 284 người mắc bệnh, tử vong 53%. Tháng sau có lần bùng phát thứ hai bệnh virút Ebola ở Zaire, nay là Cộng hoà Dân chủ Congo, tại một ngôi làng ven sông Ebola, từ đó có tên bệnh. Loại virút Ebola- Zaire (EBOZ), gây nhiễm 318 người, tử vong cao đến 88%.

Một đứa trẻ nhìn một người đàn ông bị nghi nhiễm virus Ebola tại một khu vực sầm uất ở Monrovia, Liberia. Ảnh: Abbas Dulleh/Associated Press.

Nhà nghiên cứu trẻ Peter Piot, 27 tuổi tìm ra Ebola năm 1976 từ mẫu máu của một nữ tu Thiên chúa chết tại Zaire. Người ta ghi nhận ba loại virút Ebola Zaire, virút Ebola Sudan và virút Bundibugyo liên hệ đến các đợt bộc phát bệnh ở châu Phi, còn hai loại virút Reston và Tai Forest thì không.

Phong cảnh hữu tình, hiểm nguy rình rập

Trong khoảng không gian cây cối xanh tươi, núi non như tranh vẽ nai vượn nhởn nhơ, có những cánh dơi bay lượn, gieo rắc mầm bệnh cho tinh tinh, khỉ vượn. Con cháu Tề Thiên lại chuyển cho con người.

Việc lây nhiễm là do đụng chạm với các thú vật như dơi ăn trái, tinh tinh, khỉ bị nhiễm bệnh hoặc chết trong rừng. Ebola được truyền sang quần thể người do tiếp cận với máu, chất dịch, các cơ quan của thú vật nhiễm bệnh. Virút Ebola lan tràn trong cộng đồng từ người sang người - do tiếp cận (thông qua xước da, các màng nhầy) với máu, các chất dịch tiết, nước tiểu, mồ hôi, đàm nhớt các cơ quan của người nhiễm bệnh và tiếp xúc gián tiếp với môi trường ô nhiễm các chất dịch đó. Ở châu Phi, các người phúng viếng tiếp cận cơ thể người chết là yếu tố lây quan trọng. Ðàn ông đã hồi phục có thể truyền bệnh qua tinh dịch đến bảy tuần lễ sau. Các cán bộ y tế thường bị nhiễm trong lúc chăm sóc người nghi bệnh hoặc mắc bệnh rõ, chủ yếu là không theo chặt chẽ quy định phòng bệnh.

Làm giảm nguy cơ nhiễm virút Ebola ở người. Hiện không có cách điều trị hiệu quả, cũng không có vắcxin. Chỉ có cách là phải nâng cao cảnh giác các yếu tố nguy cơ nhiễm Ebola và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Giảm nguy cơ lây nhiễm từ thú vật hoang dã sang người bằng cách tránh xa các loài vật như dơi ăn trái, tinh tinh, khỉ vượn - tránh ăn thịt sống các thú vật này. Ở châu Phi, trong lúc bùng phát bệnh Ebola cần phổ biến cho quần chúng. Giảm nguy cơ truyền người người: tránh tiếp cận với người bị nhiễm, nhất các chất dịch. Săn sóc bệnh tại nhà phải dùng găng và các dụng cụ bảo vệ.

Các cộng đồng có người bệnh Ebola phải thông báo về căn bệnh và các biện pháp cô lập người bệnh, kể cả việc chôn cất người chết. Phải chôn ngay xác người một cách an toàn.

Nhờ thuốc hay nhờ sức người

BS. Kent Brandy và bà Nancy Writebol mắc bệnh ở Liberia, được chuyển về Mỹ điều trị. Họ ở trong phòng cách ly triệt để tại bệnh viện đại học Emory ở Atlanta. Cả hai đang hồi phục.

WHO cho phép ngành y dùng thuốc thử để cứu sống bệnh nhân, dù hiện nay không có thuốc trị khỏi bệnh Ebola. Một loại thuốc gọi là Zmapp được dùng cho ba bệnh nhân: hai người Mỹ là BS. Kent Brantly 33 tuổi và Nancy Writebol 59 tuổi, và một tu sĩ Tây Ban Nha. Bệnh nhân Tây Ban Nha đã qua đời. Bà Writebol và BS. Brantly đã dùng thuốc Zmapp trước khi rời Liberia nơi họ mắc bệnh, một hỗn hợp các kháng thể, nhưng không rõ là thuốc có hiệu quả hay cơ thể giúp họ tự khỏi.

BS. Ribner trưởng nhóm điều trị cho biết chủ yếu của việc điều trị là chăm sóc nâng đỡ gồm ổn định mạch huyết áp, giữ thăng bằng nước điện giải và truyền máu nếu cần. Cố gắng giữ người bệnh sống đủ lâu để hệ miễn dịch chiến đấu với virút, ước chừng hai hoặc ba tuần nhiễm bệnh.

Trước khi cơ thể tự lực chống bệnh được, các virút tấn công mạch máu và các nội tạng. Các mạch máu hư dẫn đến xuất huyết, gặp ở khoảng phân nửa số người bệnh. Quá trình viêm cũng gây hại. Nguy hiểm nhất là tiêu chảy trầm trọng, gần như dịch tả. Ðáng mừng là các thương tổn có thể hồi phục được. Mất nhiều nước và điện giải (kali và magnê) làm suy thận. BS. Ribner nghĩ là các bác sĩ ở châu Phi có thể không lường được độ trầm trọng mất nước và điện giải vì không có đủ thiết bị. Nếu nắm được tình hình, họ có thể xử lý thích đáng và kết quả khả quan hơn.

Không biết lúc nào hai người bệnh có thể xuất viện. Phải làm xét nghiệm xem còn bệnh không. Virút có thể còn trong tinh dịch hay dịch âm đạo vài tuần hoặc một đến hai tháng sau khi người bệnh hồi phục. Khỏi bệnh thì cơ thể được miễn dịch với Ebola, nhưng chỉ riêng loại virút gây bệnh. Nên biết là có ba loại gây bệnh Ebola chết người, còn hai loại không thấy gây hại cho người.

Cuộc rượt đuổi sinh học

Cũng nên nhớ lại những trận dịch khủng khiếp do virút.

Bệnh đậu mùa trong thế kỷ trước đã giết hại 300-500 triệu người. Mới gần đây, năm 1967, WHO ghi nhận khoảng 15 triệu người mắc bệnh có hai triệu người chết. WHO chứng minh là nhờ vắcxin, bệnh đậu mùa đã bị diệt tận gốc vào năm 1979.

Dịch cúm Tây Ban Nha. Từ 1918-1919 khoảng 50 triệu người chết vì bệnh cúm. Trận dịch 1918 lại là sát thủ của những người trẻ, khoẻ mạnh.

Bệnh HIV - AIDS là bệnh dịch khủng khiếp gần đây nhất gây tử vong 25 triệu người từ 1981. Tình trạng đang được cải thiện nhờ có thuốc trị. Vậy mà năm 2011 lục địa Ðen còn có đến 1,2 triệu người chết.

Như có cuộc rượt đuổi sinh học giữa virút và con người.

Toàn cầu đang theo dõi nhất cử nhất động của Tôn Ngộ Không đời nay. Ðóng cửa các cửa khẩu, rà soát cẩn thận khách lạ từ xa khả nghi, mau mau thử thuốc, gấp gấp chế tạo vắcxin. Lại là một cuộc rượt đuổi sinh học. Phần thắng rồi cũng nghiêng về loài người. Cũng phải chờ đợi thôi.

Coi chừng sát thủ cận kề

Coi chừng sát thủ cận kề

Tài liệu Y học  - 
Khói thuốc lá luôn dịu dàng bên ta mà là sát thủ hàng đầu trên hành tinh. Các tác hại khủng khiếp thúc đẩy nhiều quốc gia thực hiện chương trình phòng chống tác hại thuốc lá.

Tin khác

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z) là cuốn sách về kiến thức y học chuyên sâu với các từ tiếng Anh được giải thích bằng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu, có hệ thống và bảo đảm độ tin cậy, tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Sách y dược học  - 
Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Cuốn sách nổi tiếng này của tác giả GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã được NXB Tổng hợp TP HCM tái bản nhiều lần.

Sách y dược học  - 
 Sách hay nên đọc: 'Khi hơi thở hóa thinh không' - Bác sĩ Paul Kalanithi

Sách hay nên đọc: "Khi hơi thở hóa thinh không" - Bác sĩ Paul Kalanithi

"Khi hơi thở hóa thinh không" là một cuốn hồi ký đầy xúc động và sâu sắc của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết cuốn sách trong những tháng cuối đời khi anh đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sách y dược học  -