Bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da. Là bệnh thường gặp, chiếm 1,5 - 5,4% dân số thế giới. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới và mọi nghề khác nhau.
Tổn thương là dát đỏ, mụn nước, có khi loét trợt hoại tử, ngứa. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát nếu không phát hiện và loại trừ được dị nguyên.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng tăng nhạy cảm của da đối với các dị nguyên, thuộc loại phản ứng quá mẫn chậm. Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xảy ra cấp tính gây đỏ da, phù nề và mụn nước với các mức độ khác nhau hoặc tiến triển mạn tính. Nguyên nhân là do da bị phơi nhiễm với các tác nhân hóa học, lý học. Có tới trên 3700 dị nguyên đã được xác định gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người.

Nguyên nhân của bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
Cơ chế sinh bệnh
- Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng quá mẫn chậm.
Một số dị ứng nguyên chính
- Họ kim loại: nickel, cobalt, chromates đồng
- Họ thuốc bôi: chất màu, dung dịch dầu
- Một số băng dính, chất dẻo, cao su
- Thực vật
- Ánh sáng
> Đọc chi tiết nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
Chẩn đoán bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
+ Thương tổn cơ bản: phụ thuộc vào mức độ nặng, vị trí và thời gian bị bệnh, viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.
Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính là dát đỏ, ranh giới rõ, phù nề, trên mặt có mụn nước, sẩn, trường hợp phản ứng mạnh có bọng nước kết hợp lại với nhau thành mảng. Bọng nước vỡ để lại vết trợt tiết dịch và đóng vảy tiết. Cơ năng có ngứa.
Viêm da tiếp xúc dị ứng bán cấp là những mảng dát đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, trên có vảy da khô, đôi khi kèm theo những đốm màu đỏ nhỏ hoặc những sẩn chắc, hình tròn.
Khi tiến triển mạn tính thường có lichen hóa, da dày, nếp da sâu thành những đường kẻ song song hoặc hình thoi, bong vảy da cùng các sẩn vệ tinh, nhỏ, chắc, hình tròn, phẳng, những vết trầy xước, dát đỏ và nhiễm sắc tố.
Bệnh thường gặp ở người đã mẫn cảm với dị nguyên gây viêm da tiếp xúc. Khởi đầu, tại vị trí da tiếp xúc lại với dị nguyên (48 giờ trở lên) xuất hiện thương tổn. Về sau, mỗi khi tiếp xúc với dị nguyên thì thương tổn xuất hiện nhanh hơn. Đa số trường hợp thương tổn vượt qua giới hạn vùng da tiếp tiếp xúc với dị nguyên, có thể rải rác ở những nơi khác.
Thương tổn thứ phát: mảng sẩn ngứa, dát đỏ lan tỏa và hơi thâm nhiễm ở xa thương tổn ban đầu, có tính đối xứng. Trên mặt các dát đỏ rải rác có các mụn nước nhỏ, hiếm hơn là hồng ban đa dạng, thương tổn hình huy hiệu. Trường hợp nhạy cảm có thể lan tỏa toàn thân.
Nếu loại bỏ được nguyên nhân bệnh sẽ khỏi, khi tiếp xúc trở lại với dị nguyên cũ bệnh tái phát.
Cơ năng: ngứa nhiều, có thể có cảm giác nhức nhối và đau nếu bệnh nặng.
- Thể lâm sàng đặc biệt theo vị trí
+ Viêm da tiếp xúc dị ứng ở da đầu: da đỏ bong vảy khô, đôi khi bong vảy phấn nhiều, rất ngứa. bệnh giảm dần sau khi ngừng tiếp xúc với dị nguyên.
+ Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt: thường gặp, da đỏ nề, mụn nước, tiết dịch. Có thể do bôi trực tiếp vào da mặt các thuốc, mỹ phẩm hoặc các dị nguyên trong môi trường làm việc và sinh hoạt hoặc bị viêm da tiếp xúc do ánh nắng.
+ Ở mí mắt: thương tổn thường phù nề, kết hợp với viêm kết mạc, nguyên nhân thường liên quan đến thuốc nhỏ mắt.
+ Dái tai: do tiếp xúc với kim loại hay gặp là nickel ở khuyên tai, biểu hiện khi thì giống chàm khô, đỏ da bong vảy nhẹ, khi thì mụn nước, tiết dịch, bội nhiễm.
+ Ở môi: viêm môi tiếp xúc dị ứng, thương tổn đỏ da bong vảy khô, đôi khi nứt, tiết dịch, hiếm gặp phù nề, ngứa hoặc đau rát.
+ Viêm da tiếp xúc dị ứng ở tay: ở mu tay thường gặp nhất, biểu hiện cấp tính là những mụn nước và tiết dịch, nếu ở giai đoạn mạn tính thì khô da và bong vảy da, có thể có thương tổn móng kèm theo. Thương tổn ở lòng bàn tay khó chẩn đoán vì thay đổi theo căn nguyên. Viêm da tiếp xúc ở đầu ngón tay hay gặp ở đầu bếp, nha sĩ do tiếp xúc với thực phẩm, hóa chất.
+ Ở bàn chân: hay gặp ở mu bàn chân hơn so với lòng bàn chân. Trường hợp mạn tính thương tổn ở phần trước bàn chân thường kèm theo thương tổn móng giống như ở bàn tay.
+ Ở bộ phận sinh dục: gây phù nề nhất là ở bìu, bao qui đầu đối với nam giới và ở môi lớn đối với nữ giới, rất ngứa, thương tổn khi thì có mụn nước và tiết dịch, khi thì khô.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng với chất bay hơi
Thương tổn có thể cấp tính hoặc mạn tính phụ thuộc vào hoàn cảnh tiếp xúc, đậm độ của dị nguyên, tần xuất tiếp xúc, đa số các trường hợp có tính chất đối xứng. Vị trí thương tổn thường ở phần hở, cần phân biệt với phản ứng dị ứng với ánh sáng.
- Cận lâm sàng
+ Mô bệnh học: ở thể cấp tính có xốp bào rất mạnh, phù gian bào, thâm nhiễm các lympho bào và bạch cầu ái toan vào thượng bì, bạch cầu đơn nhân và mô bào ở trung bì. Ở thể mạn tính, cùng với xốp bào là hiện tượng tăng gai làm mào liên nhú kéo dài xuống. Các nhú bì nhô cao và mở rộng, có hiện tượng dày sừng và thâm nhiễm lympho bào.
+ Các test da: các thử nghiệm thường dùng để phát hiện tác nhân gây bệnh như test lẩy da, test áp.

Chẩn đoán phân biệt
- Viêm da tiếp xúc kích ứng
- Viêm da cơ địa
- Viêm da dầu
- Bệnh vảy nến (ở lòng bàn tay, bàn chân)
Cách điều trị bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
Nguyên tắc chung
Tất cả các phương pháp điều trị triệu chứng sẽ bị thất bại nếu như không loại bỏ được căn nguyên gây bệnh.
Điều trị cụ thể
- Viêm da dị ứng cấp tính, lan tỏa toàn thân có thể chỉ định corticoid toàn thân liều thấp 15-20mg/ngày x 3 ngày sau giảm liều xuống 5mg/ngày x 3 ngày rồi ngừng điều trị.
- Điều trị tại chỗ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, thường sử dụng các chế phẩm có corticoid.
Dự phòng
Phòng bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng gồm nhiều biện pháp, đặc biệt đối với bệnh da nghề nghiệp. Các biện pháp dự phòng gồm: dự phòng tiên phát, thứ phát và dự phòng cơ địa. Hai điểm cần chú ý là:
- Mang găng tay phù hợp sẽ tránh hoặc giảm nhiều triệu chứng bệnh.
- Sử dụng kem bảo vệ có tác dụng tương đối tùy theo hoàn cảnh bị bệnh, có hiệu quả hơn đối với viêm da tiếp xúc kích ứng.
(Nguồn tài liệu: Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu” do Bộ Y tế ban hành.
Tài liệu này được Chủ biên bởi PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên (thứ trưởng Bộ Y tế); Đồng chủ biên: PGS.TS Trần Hậu Khang - PGS.TS Lương Ngọc Khuê.
Ban biên soạn: PGS.TS Trần Hậu Khang - PGS.TS Trần Lan Anh - PGS.TS Nguyễn Duy Hưng - PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu - PGS.TS Nguyễn Văn Thường - PGS.TS Phạm Thị Lan - PGS.TS Trần Văn Tiến - TS. Lê Hữu Doanh).
> Dấu hiệu, nguyên nhân, cách phòng và cách chữa trị bệnh bạch hầu
Tin khác
Kiến thức về bệnh gout: Chẩn đoán và cách điều trị
Gout là một bệnh chuyển hóa, đặc trưng là có những đợt viêm khớp cấp tái phát và lắng đọng natri urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu.
Tổn thương thần kinh thị giác sau chấn thương là bệnh gì, điều trị như thế nào?
Tổn thương thị thần kinh sau chấn thương là một bệnh lý hay gặp trong nhãn khoa. Tổn thương thị thần kinh có thể đơn thuần do chần thương trực tiếp hoặc phối hợp với chấn thương sọ não.
Bệnh u não - căn bệnh nguy hiểm NSƯT Quý Bình mắc phải
U não là một trong những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Kiến thức về ký sinh trùng? 20 loại phổ biến và các giai đoạn phát triển
Ký sinh trùng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người do chúng tác động lên vật chủ theo nhiều cách khác nhau, từ hút dinh dưỡng, gây tổn thương mô, tiết độc tố đến làm suy giảm hệ miễn dịch. Các tác động cơ học và phản xạ như co thắt ruột cũng khiến bệnh do ký sinh trùng trở nên nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra cảnh báo về cơn tăng huyết áp
Thời tiết thay đổi, các bác sĩ tim mạch liên tục nhận được những cuộc gọi khẩn cấp về các cơn tăng huyết áp. Đây là một trong những cấp cứu nội khoa phổ biến nhất, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên trở lên. Xử lý đúng cách có thể giúp kiểm soát tình trạng này, nhưng nếu sai sót, hậu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp...
Fujifilm tặng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mô hình mô phỏng thực hành nội soi Mikoto
Với cam kết hợp tác triển khai đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa, Fujifilm Việt Nam đã trao tặng mô hình mô phỏng thực hành nội soi đại tràng Mikoto cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.