Các triệu chứng của bệnh uốn ván ở người lớn
Bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao do độc tố mạnh của trực khuẩn uốn ván - Clostridium tetani gây ra.
> Xem thông tin khái quát đầy đủ, chính xác về bệnh uốn ván tại đây.
Khi nhiễm khuẩn Clostridium tetani, độc tố protein là tetanospasmin được tiết ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của bệnh nhân, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, gây cứng cơ và tử vong nhanh. Trực khuẩn uốn ván thường có mặt trong đất cát, phân gia cầm, gia súc, dụng cũ phẫu thuật không khử khuẩn...
Triệu chứng của bệnh uốn ván ở người lớn
Biểu hiện uốn ván ở người lớn sẽ không xuất hiện ngay khi nhiễm bệnh mà phải trải qua một thời gian ủ bệnh kéo dài khá lâu. Thông thường uốn ván sẽ trải qua 4 thời kỳ bao gồm ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Tương ứng với mỗi thời kỳ thì biểu hiện bệnh uốn ván ở người lớn sẽ lại khác nhau.
Triệu chứng ban đầu của uốn ván thời kỳ ủ bệnh
Triệu chứng ban đầu của uốn ván sau khi phơi nhiễm ở thời kỳ ủ bệnh chính là cứng hàm. Thời gian ủ bệnh của trực khuẩn uốn ván là khoảng 3 - 21 ngày, trung bình 7 ngày và đặc biệt khi thời gian ủ bệnh càng ngắn (dưới 7 ngày) thì diễn tiến bệnh càng nặng và phức tạp.
Dấu hiệu cứng hàm do uốn ván thường có những đặc điểm kèm theo như cảm giác mỏi hàm, khó nói, khó nhai, nuốt hơi vướng và khó há rộng miệng. Tình trạng cứng hàm sẽ nặng dần theo thời gian và tần suất xuất hiện liên tục.
Rất ít trường hợp phát hiện uốn ván ở giai đoạn này vì đa số người bệnh không có tâm lý chủ động phòng ngừa và theo dõi biểu hiện bất thường này. Bên cạnh đó, triệu chứng cứng cơ hàm lại là biểu hiện của nhiều bệnh lý lành tính khác nên thường khiến người bệnh chủ quan.
Triệu chứng uốn ván ở người lớn thời kỳ khởi phát
Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân uốn ván sẽ xuất hiện những cơn co cứng cơ toàn thân hoặc cơ hầu họng kéo dài từ 1 - 7 ngày. Đáng quan tâm hơn khi thời gian co cơ càng ngắn (dưới 48 giờ) thì bệnh sẽ càng nặng, tiên lượng rất xấu. Đồng thời, biểu hiện cứng hàm ở giai đoạn ủ bệnh vẫn tiếp tục xảy ra ở mức độ nặng hơn.
Tình trạng co giật cơ toàn thân của uốn ván thời kỳ khởi phát thường có những biểu hiện như sau:
· Co cứng cơ bụng: Khi sờ vào thành bụng cảm giác cứng và hai cơ thẳng trước có thể gồ lên;
· Co cứng cơ ngực và cơ liên sườn: Khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi di động lồng ngực;
· Co cứng cơ lưng: Biểu hiện bên ngoài là phần lưng bị uốn cong hoặc ưỡn thẳng khó điều chỉnh;
· Co cứng cơ gáy: Cổ người bệnh cứng và có xu hướng ngửa ra sau;
· Co cứng cơ chi dưới: Đặc trưng bởi tư thế duỗi thẳng 2 chân;
· Co cứng cơ chi trên: Biểu hiện thông qua tư thế gập 2 tay.
Các cơn co cứng cơ gia tăng mức độ khi chịu các kích thích từ bên ngoài, gây cảm giác đau đớn và hạn chế các vận động cơ thể theo ý muốn người bệnh. Kèm theo đó là các biểu hiện toàn thân khác như vã mồ hôi, bồn chồn, nhịp tim tăng lên và đặc biệt nghiêm trọng khi có thể gây ngừng thở do cứng cơ hô hấp và dẫn đến tử vong rất nhanh.
Biểu hiện uốn ván ở người lớn thời kỳ toàn phát
Thời kỳ toàn phát xảy ra sau khoảng 1 - 3 tuần từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của thời kỳ khởi phát. Thời kỳ này các triệu chứng co cứng cơ toàn thân biểu hiện rất rõ ràng, diễn ra liên tục và tạo ra nhiều nguy hiểm nếu người bệnh không được hỗ trợ y tế. Biểu hiện thông thường của thời kỳ toàn phát của uốn ván có những đặc điểm sau:
· Co cứng cơ toàn thân: Tình trạng này khiến bệnh nhân rất đau đớn, đặc trưng bởi tư thế ưỡn cong điển hình và càng nghiêm trọng hơn khi chịu các kích thích từ bên ngoài;
· Co thắt cơ vòng: Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh tiêu tiểu rất khó khăn;
· Co thắt hầu họng: Gây khó nuốt, ăn dễ sặc. Do đó, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân uốn ván lúc này cần được đặc biệt chú ý;
· Co thắt thanh quản: Biểu hiện bằng dấu hiệu khó thở, ngạt thở, tím tái toàn thân, dẫn đến suy hô hấphoặc ngừng tim;
· Bên cạnh đó, một biểu hiện uốn ván ở người lớn đặc trưng trong thời kỳ này chính là các cơ co giật toàn thân trên nền co cứng cơ có sẵn. Thời gian co giật kéo dài từ vài giây đến vài phút với tư thế điển hình: 2 tay nắm chặt ở tư thế gấp, 2 chân duỗi, lưng uốn cong. Trong thời gian co giật bệnh nhân thường bị ngừng thở do co thắt thanh quản và ức chế hoạt động các cơ hô hấp. Thời gian co giật càng kéo dài thì khả năng người bệnh tử vong càng cao.
Ở giai đoạn toàn phát, trực khuẩn uốn ván tấn công mạnh mẽ vào hệ thần kinh, do đó các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật thường biểu hiện rõ ràng và mức độ nặng dần như vã mồ hôi, da niêm xanh tái, tăng tiết đờm dãi, sốt cao trên 39 độ C... Trong số đó cần đặc biệt chú ý đến huyết áp, nhịp tim vì chúng thường thay đổi rất thất thường, dẫn đến nguy cơ ngừng tim rất cao.
Triệu chứng uốn ván thời kỳ lui bệnh
Nếu được can thiệp y tế kịp thời và hiệu quả ở thời kỳ toàn phát, bệnh nhân sẽ có cơ hội hồi phục nhanh chóng. Các cơn co giật toàn thân hoặc co thắt thanh quản, hầu họng giảm dần về tần số và mức độ đồng nghĩa với việc bệnh nhân uốn ván đang bước vào giai đoạn lui bệnh, phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng co cứng cơ toàn thân vẫn sẽ tiếp diễn trong một thời gian (vài tuần đến vài tháng) nhưng mức độ cứng cơ sẽ giảm dần. Cuối cùng nếu may mắn thì người bệnh dần dần có thể điều khiển các động tác cơ bản như há rộng miệng, nuốt và ăn uống bình thường trở lại.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh uốn ván
Trên thực tế, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Gãy xương: thông thường sẽ bị co thắt cơ hoặc co giật những trường hợp nặng có thể bị gãy xương do những cơn co cứng gồng mình.
- Co thắt thanh quản: gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp.
- Động kinh: nếu nhiễm trùng lan đến não, cũng có thể gặp tình trạng như động kinh.
- Viêm phổi: do hít vào dịch tiết của dạ dày, dẫn đến viêm phổi.
- Thuyên tắc phổi.
- Suy thận.
Lời khuyên của bác sĩ:
Bệnh uốn ván tuy có thể dễ dàng phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Để phòng uốn ván cần xử lý khi có vết thương trên cơ thể:
- Cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương.
- Không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm.
- Không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.
- Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
- Tiêm vaccine uốn ván, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc cao, kể cả những người khi khỏi bệnh uốn ván.
- Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vaccine phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib. Và ngay khi có bất cứ nghi ngờ mắc bệnh uốn ván, người bệnh nên đi khám và tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài: "Các triệu chứng uốn ván ở người lớn", link: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cac-trieu-chung-uon-van-o-nguoi-lon/
2. Bài: "2 trường hợp tử vong do uốn ván, chuyên gia cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh", link: https://suckhoedoisong.vn/2-truong-hop-tu-vong-do-uon-van-chuyen-gia-canh-bao-su-nguy-hiem-cua-benh-169231026144930107.htm
Tin khác
Làm sao để mẹ nhiễm HIV sinh con an toàn và khỏe mạnh?
Tại Việt Nam, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đã giảm xuống dưới 5%. Tuy nhiên, để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm, cần thực hiện một quá trình điều trị toàn diện, bắt đầu từ trước khi mang thai cho đến sau khi sinh. Vậy cần bao lâu để xác định chắc chắn rằng em bé không bị nhiễm HIV?
Cẩm nang chăm sóc bé: 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ
"Cẩm nang chăm sóc bé" - là chuyên đề được Ykhoangaynay.com thực hiện dựa trên tài liệu “Cẩm nang chăm sóc Bà mẹ và Em bé” do Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em dịch và chú giải, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) hiệu đính và viết lời giới thiệu.
Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Những điều cần biết về bệnh cúm thông thường
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh theo đường hô hấp, do vi rút cúm A, B, C, Á cúm gây ra với nhiều subtype khác nhau. Bệnh diễn biến đa dạng từ nhẹ đến nặng, có thể gây thành dịch lớn.
Cách xử lý khi trẻ bị co giật do sốt cao
Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ chủ quan để trẻ bị co giật do sốt cao, thậm chí co giật nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.