Ykhoangaynay | 27/06/2024

Một số thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ hiệu quả

Khi bệnh đau mắt đỏ bùng phát, người dân thường có nhu cầu tìm mua các loại thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh. Bài viết dưới đây chia sẻ 5 loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ hiệu quả, điều trị nhanh. Tuy nhiên người bệnh cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chỉ định phù hợp với từng người, từng giai đoạn bệnh.

=> Xem khái quát về bệnh đau mắt đỏ tại đây.

Thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ là thuốc gì?

Thuốc nhỏ đau mắt đỏ là thuốc kháng sinh, dạng dung dịch hoặc dạng mỡ tra để đưa vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm triệu chứng đau mắt đỏ. Hầu hết thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường là thuốc kê đơn, áp dụng phổ biến cho những ca đau mắt đỏ nặng.

Ngoài ra, người bệnh đau mắt đỏ có thể sử dụng thêm một số loại thuốc không kê đơn có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh như nước mắt nhân tạo hay thuốc kháng histamine (thuốc dị ứng).

Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ nào, tránh khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ thường là thuốc kê đơn, cần tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng

Tác dụng của thuốc tra đau mắt đỏ ra sao?

Các loại thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ chứa thành phần kháng sinh có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn, vi rút gây bệnh trên kết mạc mắt. Khi các tác nhân gây bệnh bị loại trừ, các triệu chứng đau mắt đỏ sẽ dần thuyên giảm và khỏi hẳn.

5 loại thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ tác dụng nhanh, hiệu quả

Mỗi khi dịch đau mắt đỏ bùng phát, nhu cầu mua các loại thuốc nhỏ mắt trị bệnh tăng vọt. Câu hỏi đặt ra là nên sử dụng loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ nào vừa an toàn, hiệu quả và mau khỏi bệnh?

Do đó, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh đau mắt đỏ nên khám với bác sĩ chuyên khoa Mắt để xác định nguyên nhân, mức độ bệnh, từ đó đưa ra loại thuốc điều trị phù hợp. Sau đây là 5 loại thuốc nhỏ mắt đỏ được nhiều chuyên gia tin dùng:

1. Ofloxacin

Ofloxacin là một loại kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm fluoroquinolone. Thuốc dạng kê đơn, đặc trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Tuy nhiên, thuốc không có hiệu quả điều trị nhiễm trùng mắt do vi rút. [2]

Với bệnh nhân đau mắt đỏ, có thể nhỏ thuốc Ofloxacin 4 lần/ngày với liều lượng 2 giọt mỗi bên mắt. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để đưa ra liều lượng và cách sử dụng phù hợp nhất với bạn.

Trong quá trình điều trị đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt Ofloxacin, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như cảm thấy mắt bị châm chích nhẹ hay giác mạc bị kích ứng. Một số trường hợp có thể bị rối loạn thị giác ảnh hưởng đến tầm nhìn, ngứa hoặc nổi ban trên mắt. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, uể oải…

2. Levofloxacin

Thuốc nhỏ mắt đỏ Levofloxacin cũng là kháng sinh nhóm fluoroquinolone. Levofloxacin được bào chế ở nhiều dạng khác nhau. Trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, thường dùng Levofloxacin dạng nước nồng độ 0,5%.

3. Ciprofloxacin

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh kê đơn thuộc nhóm fluoroquinolone. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như viên nén, thuốc tiêm, thuốc mỡ, thuốc nhỏ, trong đó dạng thuốc nhỏ được dùng để điều trị các đau mắt đỏ.

Thuốc Ciprofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng, có thể điều trị khỏi bệnh về mắt do nhiễm trùng do vi khuẩn gram dương và gram âm, bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh đau mắt đỏ. Thuốc có tác dụng tiêu diệt cả những vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng lại các thuốc kháng sinh như penicillin, aminoglycosid, cephalosporin, tetracyclin.

Khi nhỏ thuốc vào mắt, thuốc Ciprofloxacin sẽ ức chế enzyme DNA gyrase và topoisomerase IV khiến vi khuẩn mất khả năng sinh sản, giúp kiềm hãm tốc độ tiến triển và điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc với tần suất 2 giờ/lần. Thuốc mạnh, tác dụng nhanh. Sau 2 – 3 ngày nhỏ thuốc, các triệu chứng đau mắt đỏ sẽ giảm dần.

4. Neomycin

Neomycin là kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm aminoglycosid có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gram âm lẫn gram dương. Thuốc có 2 dạng là dung dịch nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt. Tần suất sử dụng thuốc được khuyến cáo từ 3 – 4 lần/ngày. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh đau mắt đỏ có thể bị ngứa rát, kích ứng kéo dài khoảng 1 tuần.

5. Tobramycin

Tobramycin là một loại kháng sinh mạnh, thuộc nhóm aminoglycosid. Với bệnh đau mắt đỏ, thuốc Tobramycin 0,3% được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp bệnh do vi khuẩn gram âm.

Thuốc Tobramycin là thuốc kê đơn, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc được bào chế với 2 dạng, dạng dung dịch và dạng mỡ tra mắt. Người bệnh có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp cả 2 loại thuốc, dùng thuốc dạng nước vào ban ngày và thuốc mỡ vào buổi tối. Về liều lượng, người bệnh đau mắt đỏ được chỉ định sử dụng Tobramycin mỗi 4 giờ/lần trong 5 – 7 ngày. Mỗi lần nhỏ 1 giọt/mắt.

=> Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào và cách phòng tránh hiệu quả

Đối tượng chỉ định và không chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ

1. Chỉ định

Người bệnh được chẩn đoán đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn.

2. Không chỉ định

Người bệnh dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Cách dùng và liều dùng thuốc nhỏ đau mắt đỏ

Người bệnh cần chú ý rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi nhỏ thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ

Hướng dẫn trình tự các bước sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ:

Bước 1: Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước ấm.

Bước 2: Tháo kính áp tròng (nếu có), trừ trường hợp bác sĩ có chỉ định cần đeo kính áp tròng.

Bước 3: Lắc nhẹ dung dịch thuốc nhỏ mắt rồi tháo nắp một cách cẩn thận, tránh để tay chạm vào đầu ống nhỏ giọt.

Bước 4: Nghiêng đầu ra sau một chút, hướng mắt nhìn lên trên. Sau đó, dùng một ngón tay kéo nhẹ mí mắt dưới xuống, tạo một đường rãnh để nhỏ thuốc vào.

Bước 5: Giữ đầu ống nhỏ giọt cách đường rãnh khoảng 1 – 2 cm, tránh để tiếp xúc trực tiếp với mắt. Bóp nhẹ lọ thuốc đẩy dung dịch thuốc vào đường rãnh theo đúng số lượng giọt bác sĩ hướng dẫn.

Bước 6: Nhắm mắt, dùng đầu ngón tay ấn nhẹ vào khóe mắt và cạnh mũi trong vài phút để các giọt thuốc được mắt hấp thụ rồi chớp mắt. Sau đó dùng gạc hoặc khăn sạch để thấm thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt dư thừa. Cuối cùng, rửa tay lại với xà phòng và nước sạch.

(*) Liều lượng dùng thuốc có sự khác biệt giữa các loại thuốc nhỏ mắt. Bạn nên tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều dùng.

Nên dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ trong bao lâu?

Thời gian sử dụng thuốc nhỏ mắt đỏ thường được bác sĩ chỉ định. Thông thường, thời gian sử dụng một loại thuốc trị đau mắt đỏ tối đa chỉ nên là 7 ngày, mỗi ngày nhỏ từ 4 – 6 lần. Sau 7 ngày, nếu các triệu chứng đau mắt đỏ không thuyên giảm, cần tái khám với bác sĩ để được đổi thuốc khác.

Tác dụng phụ của thuốc nhỏ đau đỏ mắt

Trong quá trình chữa đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như mắt bị cay, ngứa, nóng rát, đỏ, nổi ban… tương tự với các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ. Một vài trường hợp có thể bị giảm thị lực. Các biểu hiện này thường giảm sau 2 ngày. Nếu không giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời.

Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ đau mắt đỏ để hạn chế rủi ro

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ, bạn cần chú ý một số điều sau:

- Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt trong 15 – 30 ngày sau khi mở nắp, nếu vượt quá thời gian này, bạn cần mua một lọ thuốc mới.

- Luôn chú ý đến hạn sử dụng của thuốc. Không dùng thuốc khi đã hết hạn sử dụng.

- Trong trường hợp bạn cần nhỏ nhiều loại thuốc nhỏ mắt thì không nên nhỏ liên tiếp vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Bạn hãy đợi 3 – 5 phút rồi mới nhỏ tiếp loại thuốc khác.

- Trường hợp dùng song song thuốc nước và thuốc mỡ thì nên dùng thuốc nước trước, 3 – 5 phút sau mới tiếp tục dùng thuốc mỡ.Luôn rửa tay kỹ với xà phòng trước và sau khi nhỏ mắt.

- Khi nhỏ mắt, không để đầu ống nhỏ mắt tiếp xúc trực tiếp với mắt.Không dùng tay quẹt mắt.

- Nên nhỏ từng giọt một, không nên nhỏ liên tục nhiều giọt, vừa gây lãng phí thuốc vừa tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, giảm hiệu quả điều trị bệnh.

- Tránh sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người khác, sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

- Luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, tần suất sử dụng.

- Không tự ý dùng các loại lá để xông, đắp lên mắt để tránh làm bệnh nặng hơn.

*Bài viết được Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng tư vấn chuyên môn.

Tin khác

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z) là cuốn sách về kiến thức y học chuyên sâu với các từ tiếng Anh được giải thích bằng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu, có hệ thống và bảo đảm độ tin cậy, tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Sách y dược học  - 
Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Cuốn sách nổi tiếng này của tác giả GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã được NXB Tổng hợp TP HCM tái bản nhiều lần.

Sách y dược học  - 
 Sách hay nên đọc: 'Khi hơi thở hóa thinh không' - Bác sĩ Paul Kalanithi

Sách hay nên đọc: "Khi hơi thở hóa thinh không" - Bác sĩ Paul Kalanithi

"Khi hơi thở hóa thinh không" là một cuốn hồi ký đầy xúc động và sâu sắc của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết cuốn sách trong những tháng cuối đời khi anh đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sách y dược học  -