Nguồn: Bộ Y tế |  17/07/2024

U màng nội tuỷ trong sọ là gì? Chẩn đoán và cách điều trị

U màng nội tủy (ependymomas) là một loại của u thần kinh đệm, điển hình mọc ở trong hoặc cạnh hệ thống não thất. U màng nội tủy thường gặp ở hố sọ sau, ở não thất tư hoặc ở tủy sống, nó cũng có thể gặp ở vùng bán cầu đại não (nhất là ở trẻ em). U màng nội tủy chiếm khoảng dưới 10% khối u thần kinh trung ương và chiếm 25% các khối u nguyên phát của tủy sống.

U màng nội tủy thường được chẩn đoán ở trẻ em ở bất kỳ tuổi nào, thường gặp nhất là ở dưới 5 tuổi, trong đó 25-40% bệnh nhân được chẩn đoán trước 2 tuổi. U màng nội tủy trong não không phổ biến ở người lớn, thường xuất hiện ở lứa tuổi trước 40 tuổi. Ở người lớn, u này thường có tiên lượng tốt khi phẫu thuật lấy toàn bộ u. Riêng ở trẻ em, u có tiên lượng kém hơn mặc dù u cũng được lấy toàn bộ như người lớn nhưng có khả năng tái phát nhanh hơn.

Chẩn đoán u màng nội tuỷ

U màng nội tủy (ependymomas) là một loại của u thần kinh đệm, điển hình mọc ở trong hoặc cạnh hệ thống não thất, thường gặp ở hố sọ sau, ở não thất tư hoặc ở tủy sống, nó cũng có thể gặp ở vùng bán cầu đại não (nhất là ở trẻ em). 

Chẩn đoán u màng nội tuỷ

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí của khối u:

Hầu hết u nằm ở hố sọ sau, với biểu hiện lâm sàng là hội chứng tăng áp lực nội sọ do làm tắc nghẽn hệ thống não thất (đau đầu, nôn, phù gai thị, rối loạn tri giác). Triệu chứng của khối u vùng tiểu não: chóng mặt, rối loạn thăng bằng. Liệt dây thần kinh sọ số VI đến X là triệu chứng của khối u thâm nhiễm vào dây thần kinh sọ. Có thể gây liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ nếu u chèn ép vào thân não.

Động kinh hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt, tê bì, nói khó, thay đổi hành vi...) nếu khối u mọc ở vùng trên lều tiểu não.

U xâm lấn vào tủy sống có biểu hiện thiếu hụt chức năng thần kinh: yếu chi, rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn.

Chẩn đoán dựa chủ yếu vào lứa tuổi, vị trí khối u, hình ảnh cộng hưởng từ sọ não, tủy sống.

Cận lâm sàng

- Cộng hưởng từ: U thường có biểu hiện giảm tín hiệu trên T1, tăng tín hiệu trên T2, không đồng nhất tín hiệu, ngấm thuốc đối quang từ sau tiêm, u thường ở vị trí não thất bốn, hoặc cạnh não thất. U thường phát triển vào lỗ Luschka, và tín hiệu không đồng nhất là hai dấu hiệu giúp định hướng chẩn đoán u màng nội tủy, cũng như giúp chẩn đoán phân biệt với u sao bào lông, u nguyên tủy bào ở trẻ em.

U thường gây giãn não thất do tắc nghẽn não thất tư hoặc gây hiệu ứng khối ở vùng trên lều, nhưng hiếm khi có phù nề quanh u.

Cắt lớp vi tính: u có biểu hiện tăng tỷ trọng, ngấm thuốc cản quang đồng nhất, trong u có cấu trúc nang và calci hóa thường gặp.

Chẩn đoán phân biệt với các u não hố sau ở trẻ em gồm: u nguyên tủy bào, u sao bào lông, u đám rối mạch mạc, u tế bào nguồn gốc phôi thai.

Chẩn đoán sự lan tràn khối u: tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ u màng nội tủy cần được chụp CHT sọ não và toàn bộ tủy sống có tiêm thuốc, do có 10% khối u di căn theo hệ thống dịch não tủy vào màng tủy. Chọc dịch não tủy tìm tế bào ung thư nhằm đánh giá giai đoạn với u màng nội tủy bất thục sản, cần lưu ý không chọc dịch não tủy khi có tăng áp lực nội sọ, thường chọc dịch não tủy tìm tế bào 10-14 ngày sau phẫu thuật.

- Giải phẫu bệnh: Phân loại theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về u màng ống nội tủy:

Điều trị u màng nội tuỷ

Nguyên tắc điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ tối đa và xạ trị là phương pháp điều trị chủ yếu.

Hóa trị được chỉ định với những trẻ nhỏ chưa thể xạ trị.

Điều trị ngoại khoa

Mục đích: Phẫu thuật lấy toàn bộ, tối đa khối u và bảo vệ chức năng thần kinh. Đối với những trường hợp chức năng thần kinh trước mổ quá nặng và kéo dài, khả năng hồi phục sau mổ rất hạn chế, thậm chí không hồi phục. Khả năng cắt bỏ tối đa khối u làm tăng thời gian sống thêm có ý nghĩa. Khả năng cắt bỏ khối u phụ thuộc vào kích thước, mức độ xâm lấn của u vào thân não, các dây thần kinh sọ, và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: cắt bỏ gần toàn bộ khối u giúp làm giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ và kéo dài thời gian sống hơn nhóm cắt một phần khối u.

Xạ trị

Xạ trị thường được sử dụng sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, giúp giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ lấy u. Trường bức xạ thường bao gồm hai thân đốt sống hoặc vùng có rễ thần kinh ở trên và dưới khối u, với tổng liều 45,0 đến 50,4Gy. Khuyến cáo, trường bức

xạ bao gồm khối u hoặc giường khối u cộng với biên độ 1 đến 2cm với tổng liều là 54 đến 56Gy.

Với trẻ em trên 3 tuổi, xạ trị vào giường khối u sau phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, kết quả thời gian sống thêm sau 5 năm không tiến triển bệnh khoảng 50-60%.

Với trẻ em dưới 3 tuổi, xạ trị ngay sau phẫu thuật không được khuyến cáo do những biến chứng về thần kinh, và làm chậm phát triển tâm thần vận động của trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy ependymoma có khả năng đáp ứng với hóa trị liệu kết hợp, nhưng kết quả cho đến nay vẫn chưa chứng minh được rõ ràng lợi thế sống còn toàn bộ. Vì vậy, hoá trị nên dành cho những bệnh nhân thất bại sau phẫu thuật và xạ trị, hoặc có thể cân nhắc dùng cho trẻ dưới 3 tuổi để trì hoãn xạ trị.

Hóa trị

Vai trò của hóa trị ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau phẫu thuật như sau: hóa trị sau phẫu thuật, sử dụng kết hợp nhiều loại etoposide, vincristine, cyclophosphamide, platinum và methotrexate liều cao, cho thấy tỷ lệ đáp ứng 40% đến 50% ở trẻ em dưới 3 tuổi.

Theo dõi sau điều trị

Theo dõi được thực hiện 6 tháng/1 lần trong 2 năm đầu, và chụp cộng hưởng từ đánh giá. Sau đó kiểm tra 1 năm/lần.

Điều trị tái phát

Chưa có phác đồ chuẩn cho điều trị u màng nội tủy tái phát. Tuy nhiên, phẫu thuật lại cũng như xạ trị lại ngày càng được sử dụng. Phẫu thuật lại đã được chứng minh là có liên quan đến tiên lượng cải thiện thời gian sống thêm (sau 5 năm là 19% trong trường hợp cắt bỏ gần toàn bộ khối u, 14% trong trường hợp cắt bỏ bán phần khối u) so với 8% ở nhóm không phẫu thuật. Việc chiếu xạ lại được thực hiện ở người lớn cũng như ở trẻ lớn thường được sử dụng là xạ trị phân liều hoặc xạ phẫu hoặc proton.

Vai trò của hóa trị liệu trong điều trị u màng nội tủy tái phát ở người lớn vẫn chưa rõ ràng và chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị tại chỗ (phẫu thuật và xạ trị) không còn chỉ định. Tương tự như các u thần kinh đệm khác, temozolomide đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân u màng nội tủy tái phát ở người lớn. Một số báo cáo trường hợp cho thấy temozolomide đơn độc hoặc phối hợp có tác dụng điều trị u màng nội tủy tái phát độ II hoặc III. Một nghiên cứu hồi cứu trên 18 bệnh nhân bị tái phát nội sọ độ II và III tái phát mà không có chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị, điều trị temozolomide trong lịch trình tiêu chuẩn hoặc phối hợp cho thấy đáp ứng 22% và có thời gian sống thêm không tiến triển bệnh 9 tháng, thời gian sống thêm 30,5 tháng.

Phòng bệnh

Tránh các yếu tố có nguy cơ gây ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có bất thường để phát hiện bệnh sớm.

Tiên lượng

Kết quả điều trị các u não phụ thuộc vào loại bệnh, vị trí tổn thương... Khối u càng nhỏ, vị trí ít nguy cấp của não, loại mô bệnh học lành tính có tiên lượng tốt hơn u kích thước lớn, độ ác tính cao.

(Nguồn tài liệu: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu - Ban hành kèm theo Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 1 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chủ biên: PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - GS.TS. Mai Trọng Khoa.

Thành viên biên soạn và góp ý: GS.TS. Mai Trọng Khoa; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê; TS. Phạm Xuân Dũng; PGS.TS. Trần Đình Hà; PGS.TS. Phạm Cẩm Phương; TS. Phạm Văn Thái; TS. Nguyễn Quang Hùng; TS. Nguyễn Thị Thái Hòa; PGS.TS. Vũ Hồng Thăng; TS. Đỗ Anh Tú; TS. Trần Văn Công; BSCKII. Hoàng Thị Mai Hiền; TS. Lê Tuấn Anh; TS. Trần Hải Bình; TS. Vũ Hữu Khiêm; ThS. Vương Ngọc Dương; ThS. Trần Ngọc Hải; ThS. Nguyễn Thanh Hùng; TS. Vương Ánh Dương; ThS. Trương Lê Vân Ngọc.)

Tin khác

Chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân mắc bạch cầu cấp. Một chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp cơ thể có đủ năng lượng để phục hồi, mà còn hỗ trợ tái tạo các tế bào máu và mô bị tổn thương trong quá trình điều trị.

Sự kiện Y Khoa  - 
Bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ là gì?

Bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ là gì?

Bạch cầu cấp là một trong những dạng ung thư máu phổ biến, đặc biệt là bạch cầu cấp dòng tủy. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có xu hướng trẻ hóa và tiến triển rất nhanh.

Sự kiện Y Khoa  - 
Bạch cầu cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán

Bạch cầu cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán

Ung thư là một trong những căn bệnh có tốc độ gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó bệnh bạch cầu cấp (hay còn gọi là ung thư máu) là một trong những loại ung thư phổ biến. Bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau và hiện nay, việc phòng ngừa vẫn còn nhiều thách thức.

Sự kiện Y Khoa  - 
Phương pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là gì?

Phương pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là gì?

Việc phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm mở ra nhiều cơ hội điều trị hiệu quả hơn. Trong một số trường hợp, các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện rõ ràng, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng dễ nhận biết.

Nghiên cứu  - 
Ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không?

Ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không?

Mỗi năm tại Việt Nam, hơn 4.100 phụ nữ mới phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, và khoảng 2.400 người không may qua đời vì căn bệnh này. Vậy, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi hay không?

Nghiên cứu  - 
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung: Những triệu chứng cần lưu ý để phát hiện sớm

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung: Những triệu chứng cần lưu ý để phát hiện sớm

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác, vì vậy việc nhận biết sớm các triệu chứng là điều quan trọng giúp tăng cơ hội điều trị hiệu quả.

Nghiên cứu  -