Thông tin Y khoa: Mù (Tên Tiếng Anh: Blindness)

Mất khả năng nhìn thấy.

Nói chung, thuật ngữ này được dùng để chỉ mất thị giác trầm trọng, không thể hiệu chỉnh bằng kính đeo. Định nghĩa chính xác về mù và mất thị giác từng phần là khác nhau. Tại Vương quốc Anh, coi là mù khi thị lực đạt 3/60 hoặc thấp hơn ở mắt tốt nhất hoặc thị trường bé hơn 20 độ ở mắt tốt nhất. Mất thị giác từng phần có mức độ ảnh hưởng ít hơn đối với thị lực, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống bình thường.

Tỉ lệ mắc bệnh

Khoảng 40 triệu người trên thế giới bị mù một phần hoặc hoàn toàn. Hàng triệu trẻ em ở các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ mù do chỉ bị thiếu vitamin A.

Nguyên nhân

Mù có thể có nguyên nhân do chấn thương, bệnh hoặc thoái hóa võng mạc, thần kinh thị giác hoặc đường thần kinh nối nhãn câu với não hoặc đối với chính não.

Nhãn cầu

Thị giác bình thường phụ thuộc vào việc liên tục chuyển ánh sáng từ phía trước mắt đến võng mạc nhạy cảm ánh sáng ở phía sau. Bất cứ điều gì ngăn cản ánh sáng đi đến võng mạc cũng có thể gây mù.

Nhiều rối loạn khác nhau có thể ảnh hưởng đến tính trong suốt của giác mạc ở phía trước mắt. Trong hội chứng Sjogren, mất khả năng sản sinh nước mắt dẫn đến viêm giác - kết mạc khô, nếu nặng, có thể gây mờ đục giác mạc.

Những nguyên nhân khác làm mờ giác mạc bao gồm thiếu vitamin A, tổn thương do hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc chấn thương. Loét giác mạc cũng có thể gây mù nếu nó để lại sẹo sau khi lành. Nguyên nhân thường gặp của những trường hợp loét như vậy là các đợt bệnh viêm nhiễm nặng, bao gồm viêm mắt trẻ sơ sinh, bệnh mắt hột, herpes simplex, và loét do vi khuẩn.

Viêm mống mắt thể mi hoặc viêm màng mạch nho có thể gây mất thị giác. Viêm cũng có thể xuất hiện kèm với bệnh lao, bệnh sarcoid, bệnh giang mai, bệnh toxocara hoặc bệnh toxoplasma, nhưng thường xảy ra mà không có nguyên nhân.

Bệnh đục thủy tinh thể là một nguyên nhân thường gặp gây mù. Nó thường có nguyên nhân do thủy tinh thể bị đục cùng với quá trình lão hóa, nhưng đôi khi, nó có thể là khuyết tật bẩm sinh hoặc phát triển trong thời thơ ấu.

Đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc chấn thương có thể gây chảy máu vào khoang nhãn cầu. Trong xuất huyết tiền phòng, máu chảy vào phòng trước thủy tinh thể. Xuất huyết vào dịch kính phía sau thủy tinh thể.

Các rồi loại võng mạc là nguyên nhân thường gặp gây mù. Chúng bao gồm thoái hóa hoàng điểm có liên quan đến tuổi tác (thoái hóa phần chính giữa võng mạc), bệnh võng mạc do đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, tắc động mạch võng mạc hoặc tắc tĩnh mạch võng mạc, bong võng mạc, các khối u như u nguyên bào võng mạc và u hắc tố ác tính ở mắt, và chảy máu võng mạc có nguyên nhân do đái tháo đường, tăng huyết áp, chấn thương hoặc bệnh mạch máu.

Trong bệnh tăng nhãn áp, một nguyên nhân thường gặp khác gây mù, áp lực dư thừa trong nhãn cầu gây thoái hóa các thớ sợi thần kinh ở đầu cùng trước của thần kinh thị giác. Loại bệnh tăng nhãn áp thường gặp nhất gây mất thị giác một bên, có thể không nhận ra bệnh cho đến khi nó ở giai đoạn khá nặng.

Thần kinh thị giác và đường thần kinh. Năng lượng ánh sáng nhận được ở võng mạc được chuyển thành các xung thần kinh và được truyền dọc theo thần kinh thị giác và các đường thần kinh đến não. Tính dẫn truyền của các xung này có thể giảm do chèn ép của khối u ở ổ mắt hoặc trong não; do rối loạn cung cấp máu cho thần kinh thị giác, có nguyên nhân do đái tháo đường, tăng huyết áp, khối u, chấn thương, hoặc viêm động mạch thái dương; do viêm thần kinh thị giác (viêm dây thần kinh thị giác, có thể xảy ra trong xơ cứng rải rác); do ảnh hưởng độc của một số loại chất hóa học; hoặc do thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Não. Các xung thần kinh từ võng mạc cuối cùng sẽ đến vùng não bộ gọi là vỏ não thị giác. Tại đây, các xung thần kinh được phân tích, và diễn giải thành các hình ảnh nhận thức. Mù có thể có nguyên nhân do chèn ép lên vỏ não thị giác do u não hoặc chảy máu não, hoặc nếu đột quỵ làm giảm lượng máu cung cấp cho vỏ não.

Cuối cùng, mù có thể có liên quan đến hysteria, một phản ứng stress trầm trọng trong đó các triệu chứng thực thể xuất hiện mà không có bất kỳ nguyên nhân thực thể nào.

Chẩn đoán và điều trị

Bất cứ người nào bị mất thị giác, một phần hoặc toàn bộ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức. Có thể tiến hành nhiều loại kiểm tra thị lực.

Thông thường, có thể biết được nguyên nhân gây mù bằng cách khám trực tiếp mắt, bao gồm soi đáy mắt, đo nhãn áp, và đo thị trường. Những hoạt động điện sinh ra ở não sau khi có kích thích thị giác có thể được đo bằng điện kế thị giác (xem Evoked responses-Thử phản xạ). Độ tuổi và tiền sử bệnh của bệnh nhân, sự mô tả của bệnh nhân về việc mất thị giác và những dấu hiệu và triệu chứng khác, có thể cung cấp những đầu mối quan trọng để chẩn đoán.

Trong một số ít trường hợp, có thể tiến hành siêu âm, chụp cắt lớp điện toán, hoặc chụp cộng hưởng từ để phát hiện bất cứ bất thường nào ở mắt, hốc mắt, các cấu trúc bao quanh thần kinh thị giác hoặc não. Chụp mạch có fluorescein (một kỹ thuật chụp các mạch máu của mắt) có thể được dùng để nghiên cứu võng mạc và màng mạch. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Nếu mất thị lực không thể hiệu chỉnh được, bệnh nhân có thể được coi như người mù. Một số dụng cụ trợ giúp có thể có ích (xem thêm Eye - Mắt; Vision, loss - Mất thị lực).

Tài liệu và thông tin trong bài viết này được trích dẫn từ cuốn Từ điển Bách khoa Y học Anh Việt A-Z mà tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Tin khác

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z)

Từ điển Bách khoa Y học Anh - Việt (A - Z) là cuốn sách về kiến thức y học chuyên sâu với các từ tiếng Anh được giải thích bằng tiếng Việt giản dị, dễ hiểu, có hệ thống và bảo đảm độ tin cậy, tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Sách y dược học  - 
Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Sách hay nên đọc: Cẩm nang phòng trị ung thư

Cuốn sách nổi tiếng này của tác giả GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã được NXB Tổng hợp TP HCM tái bản nhiều lần.

Sách y dược học  - 
 Sách hay nên đọc: 'Khi hơi thở hóa thinh không' - Bác sĩ Paul Kalanithi

Sách hay nên đọc: "Khi hơi thở hóa thinh không" - Bác sĩ Paul Kalanithi

"Khi hơi thở hóa thinh không" là một cuốn hồi ký đầy xúc động và sâu sắc của Paul Kalanithi, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ tuổi người Mỹ gốc Ấn. Anh đã viết cuốn sách trong những tháng cuối đời khi anh đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Sách y dược học  -