Nguồn: Bộ Y tế |  14/07/2024

Tìm hiểu về bệnh ung thư thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính. Các triệu chứng của ung thư thận thường rất mờ nhạt và không điển hình. Đến khi chúng xuất hiện thường xuyên, rõ rệt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư thận là gì?

Bệnh ung thư tế bào thận hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 2% các bệnh ung thư, bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 55 và nam nhiều hơn nữ, theo GLOBOCAN 2018 ung thư thận ở Việt Nam đứng thứ hai trong ung thư hệ tiết niệu và đứng thứ 17 trong các bệnh ung thư chung, số ca mắc mới hàng năm là 2.394. Bệnh gặp ở các nước Bắc Âu nhiều hơn ở châu Phi và châu Á. Bệnh có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Có khoảng 90% các khối u thận là u ác tính trong đó ung thư biểu mô tế bào sáng chiếm 80%. Các yếu tố nguy cơ như hội chứng Von Hippel Lindau, đột biến mất đoạn ở nhánh ngắn nhiễm sắc thể số 3. Một số yếu tố khác được xác định có liên quan như hút thuốc, tăng huyết áp, béo phì.

Đái máu là triệu chứng hay gặp chiếm 80% trường hợp u thận.

Chẩn đoán bệnh ung thư thận

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

- Đái máu toàn bãi, đái buốt.

- Đau lưng, có khối u ở bụng, sụt cân, thiếu máu, sốt, có thể âm thầm không

triệu chứng.

- Giai đoạn muộn khi đã có di căn, trên lâm sàng có các triệu chứng của di căn tùy vị trí, giai đoạn bệnh.

Cận lâm sàng

Ngày nay với sự phát triển của y học cùng công tác khám sức khỏe định kỳ, ung thư thận thường được phát hiện tình cờ qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Chỉ có 10% bệnh nhân đến khám vì tam chứng cổ điển bao gồm nổi khối vùng mạng sườn, đau thắt lưng và đái máu.

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh:

- Siêu âm thận: khối u đặc, thâm nhiễm phá vỡ bao thận, xâm lấm mỡ quanh thận, có thể thấy huyết khối tĩnh mạch thận.

- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, khối u đặc ít ngấm thuốc hơn nhu mô thận lành, đánh giá tình trạng tổ chức u thâm nhiễm xung quanh, hạch, di căn tiểu khung ổ bụng, có thể thấy huyết khối tĩnh mạch thận, tĩnh mạch chủ dưới.

- Chụp UIV: thấy bóng thận to, giúp đánh giá chức năng bài tiết của thận.

- Các kỹ thuật chẩn đoán y học hạt nhân:

+Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA: có thể thấy thay đổi pha mạch, pha tiết, pha bài xuất của từng thận tùy theo vị trí, kích

thước, số lượng khối u thận. Xạ hình thận đánh giá chức năng từng thận riêng rẽ giúp lên kế hoạch phẫu thuật.

+Xạ hình thận hình thể bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DMSA: thấy hình ảnh ổ khuyết ở thận nhưng cần phân biệt với nang thận và các khối u thận khác.

+Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn. Ung thư thận hay di căn ở cột sống, xương sườn, xương chậu, xương sọ...

+Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị. Chụp PET/CT: ít giá trị chẩn đoán với u thận nguyên phát. Có giá trị phát hiện các tổn thương di căn: thường gặp ở phổi, gan, hạch ổ bụng, xương...

- Sinh thiết u dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT để chẩn đoán mô bệnh học. Ung thư biểu mô tế bào thận có các dưới nhóm thường gặp: thể tế bào sáng, thể nhú, chromophobe.

- Xét nghiệm máu toàn bộ: công thức máu, đông máu toàn bộ, chức năng gan, thận giúp đánh giá bilan.

- Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu.

- Xét nghiệm định lượng LDH, calci huyết.

- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (tumor marker): CEA, BTA (bladder tumor antigen) tăng cao trong một số trường hợp. Có giá trị theo dõi đáp ứng điều trị, phát hiện bệnh tái phát, di căn xa.

- Xét nghiệm đột biến gen: mlH1, MSH2, MSH6, PMS2, EPCAM, PTEN, TP53, VLH...

- Giải trình tự nhiều gen.

- Chẩn đoán xác định dựa trên lâm sàng và cận lâm sàng trong đó chẩn đoán mô bệnh học mang tính chất quyết định.

Chẩn đoán giai đoạn theo TNM (AJCC 2017)

Bảng 1. Phân loại TNM

Bảng 2. Chẩn đoán giai đoạn ung thư thận theo TNM

> Tổng quan về ung thư tuyến giáp

Cách điều trị bệnh ung thư thận

Điều trị ung thư thận phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng chức năng của từng thận và tùy từng trường hợp bệnh nhân. Cụ thể như sau:

Điều trị ung thư thận chưa di căn (T1,2 N0M0)

Phẫu thuật triệt căn gồm cắt thận toàn bộ và cắt thận bán phần. Cắt thận toàn bộ bao gồm cắt cả bao Gerota thận và tuyến thượng thận cùng bên. Phẫu thuật bán phần hay bảo tồn trong một số trường hợp như: u nhỏ ở một cực của thận, bệnh nhân có một thận, u thận 2 bên, 2 thận có chức năng đều giảm.

Điều trị ung thư thận tiến triển tại chỗ (T3, 4N1, 2M0)

Cắt thận triệt căn, vét hạch và lấy huyết khối, có thể phối hợp với xạ trị. Nhìn chung ung thư thận ít đáp ứng với xạ trị. Xạ trị có thể là:

Xạ trị chiếu ngoài

* Chỉ định

- Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật: khối u xâm lấn vỏ bao thận, ra ngoài hố thận.

- Xạ trị ung thư thận giai đoạn tại chỗ được chỉ định khi bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc mắc các bệnh kèm theo không thể phẫu thuật được. Liều xạ 45Gy có thể tăng liều tập trung lên 55,8Gy phân liều 1,8Gy/ngày.

* Mô phỏng:

Chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc tốt nhất bằng PET/CT, PET/MRI.

* Kỹ thuật:

Có thể dùng các kỹ thuật thường quy 3D, hoặc các kỹ thuật xạ trị tiên tiến giúp tăng hiệu quả, độ chính xác và giảm thiểu tác dụng phụ như xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy: IMRT), xạ trị điều biến thể tích (Volumetric Modulated Arc Therapy: VMAT), xạ trị hạt nặng (Proton therapy, heavy ion).

Xạ trị định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy: SBRT)

Trường hợp u thận không còn khả năng cắt bỏ hoặc u thận mà bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật.

Cấy hạt phóng xạ: là phương pháp cấy các hạt phóng xạ I-125 vào diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn.

Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT)

- IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.

- IORT có nhiều loại kích thước của đầu phát tia bức xạ (applicator) khác nhau tùy thuộc vào diện cắt và hình dạng khối u, hơn nữa diện tích xạ trị hạn chế nên hầu như không ảnh hưởng các cấu trúc bình thường xung quanh vùng chiếu xạ.

Điều trị ung thư thận giai đoạn di căn xa (T bất kỳ N bất kỳ M1)

- Ung thư thận chủ yếu gặp loại mô bệnh học là ung thư biểu mô tế bào sáng. Điều trị đích và điều trị miễn dịch là các phương pháp chính trong ung thư thận giai đoạn không còn khả năng phẫu thuật triệt căn.

- Di căn một ổ đơn độc: phẫu thuật cắt thận và cắt tổn thương di căn.

- Di căn nhiều ổ: chủ yếu là điều trị toàn thân và thường mang tính chất điều trị triệu chứng. Cụ thể như sau:

Điều trị bước 1

- Pazopanib: Điều trị bước 1 trên bệnh nhân ung thư thận tiến xa/di căn có nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao. Liều pazopanib khuyến cáo là 800mg uống một lần mỗi ngày. Điều chỉnh liều dựa trên mức độ dung nạp của từng bệnh nhân.

- Bệnh nhân không có triệu chứng, không có yếu tố tiên lượng xấu, cần theo dõi sát tốc độ tiến triển bệnh.

- Bệnh nhân có triệu chứng, có yếu tố nguy cơ trung bình xấu, có thể sử dụng phác đồ: Nivolumab* + ipilimumab*; pembrolizumab + axitinib*; đơn trị cabozatinib*.

- Bevacizumab phối hợp với interferon alfa-2a được chỉ định trong điều trị bước một cho bệnh nhân ung thư thận tiến triển và/hoặc di căn. Liều khuyên dùng là 10mg/kg cân nặng, một lần mỗi 2 tuần.

Điều trị bước 2

- Bệnh nhân tiến triển sau điều trị miễn dịch: Axitinib٭, cabozatinib٭, sunitinib.

- Bệnh nhân tiến triển sau liệu pháp kháng sinh mạch: Nivolumab

- Bệnh nhân sau thất bại với liệu pháp kháng sinh mạch và miễn dịch kết hợp: Nivolumab*, ipilimumab*.

- Sunitinib 50mg uống hàng ngày trong 4 tuần chu kỳ 6 tuần tới khi bệnh tiến triển.

- Sorafenib 400mg uống ngày 2 lần tới khi bệnh tiến triển.

- Temsirolimus* truyền tĩnh mạch 25mg/tuần

- Everolimus 10mg/ngày uống hàng ngày cho đến khi bệnh tiến triển.

- Pazopanib cho ung thư thận di căn xa, uống 800mg/ngày.

- Ipilimumab* + Nivolumab*

- Cabozatinib*

- Axitinib*

- Lenvatinib* : 18 mg uống hàng ngày, phối hợp với everolimus 5mg/ngày.

- Hóa chất gemcitabine - cisplatin:

Gemcitabine 800 mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1, 8 và 15

Cisplatin 70 mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1.

Chu kỳ 28 ngày

Hoặc

Gemcitabine 1250 mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1, 8

Cisplatin 70 mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1.

Chu kỳ 21 ngày.

- Hóa chất gemcitabine - carboplatin:

Gemcitabine 1250 mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1, 8

Carboplatin AUC 5 truyền tĩnh mạch ngày 1

Chu kỳ 21 ngày.

Ung thư thận bao gồm ung thư tế bào thận, sarcoma thận và u lympho thận nguyên phát... trong đó ung thư tế bào thận (Renal Cell Carcinoma-RCC) chiếm tới hơn 90% các trường hợp, nên trong bài này chỉ đề cập nội dung ung thư tế bào thận. 

Cách phòng bệnh ung thư thận

Một số yếu tố được coi là nguyên nhân hoặc tác nhân liên quan gây ung thư thận đã được xác định đó là thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp và yếu tố gia đình.

Để phòng bệnh ung thư thận: không hút thuốc lá, thuốc lào; tránh béo phì; loại trừ các nguyên nhân gây tăng huyết áp, điều trị tốt và kiểm soát bệnh tăng huyết áp; theo dõi, tầm soát định kỳ với các đối tượng trực hệ trong gia đình đã có người mắc ung thư thận.

Tiên lượng bệnh

Bệnh có tiên lượng còn hạn chế do đa số phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Phát hiện sớm mang lại tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao.

Theo dõi định kỳ

- Khi bệnh ổn định có thể theo dõi bệnh nhân định kỳ.

- Năm đầu 3 tháng 1 lần, từ năm thứ hai trở đi: 6 tháng 1l ần.

- Các bụng, chụp xét nghiệm cần làm: Công thức máu, sinh hóa máu, chụp tim phổi, siêu âm CT scan bụng, xạ hình thận... chụp PET/CT khi cần.

(Nguồn tài liệu: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu - Ban hành kèm theo Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 1 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chủ biên: PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - GS.TS. Mai Trọng Khoa.

Thành viên biên soạn và góp ý: GS.TS. Mai Trọng Khoa; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê; TS. Phạm Xuân Dũng; PGS.TS. Trần Đình Hà; PGS.TS. Phạm Cẩm Phương; TS. Phạm Văn Thái; TS. Nguyễn Quang Hùng; TS. Nguyễn Thị Thái Hòa; PGS.TS. Vũ Hồng Thăng; TS. Đỗ Anh Tú; TS. Trần Văn Công; BSCKII. Hoàng Thị Mai Hiền; TS. Lê Tuấn Anh; TS. Trần Hải Bình; TS. Vũ Hữu Khiêm; ThS. Vương Ngọc Dương; ThS. Trần Ngọc Hải; ThS. Nguyễn Thanh Hùng; TS. Vương Ánh Dương; ThS. Trương Lê Vân Ngọc.)

Tin khác

Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.

Tài liệu Y học  - 
Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?

Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Tài liệu Y học  - 
Những điều cần biết về co giật do sốt ở trẻ em

Những điều cần biết về co giật do sốt ở trẻ em

Co giật thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi, các cơn co giật xuất hiện trong quá trình mắc một bệnh cấp tính có sốt, nhưng không phải do nhiễm trùng thần kinh hoặc có các cơn co giật không do sốt trước đó và các dấu hiệu bất thường hệ thần kinh.

Tài liệu Y học  - 
Những điều cần biết về bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em

Những điều cần biết về bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn mạn tính gây tổn thương đa cơ quan, đặc trưng bởi viêm hệ thống và sự có mặt của kháng thể tự miễn trong máu. Trong đó, tổn thương thận là yếu tố chính quyết định tiên lợng, tử vong.

Tài liệu Y học  - 
Những điều cần biết về vàng da ứ mật ở trẻ em

Những điều cần biết về vàng da ứ mật ở trẻ em

Vàng da ứ mật (VDUM) là một bệnh phức tạp biểu hiện bởi nồng độ bilirubin cao trong máu trẻ sơ sinh với tần suất xuất hiện là 1/2500 trẻ được sinh ra. Nhìn chung, biểu hiện vàng da sinh lý hầu hết ở dạng lành tính và trẻ sẽ hết vàng da sau 2 tuần đầu đời.

Tài liệu Y học  - 
Phương pháp điều trị hiệu quả khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Phương pháp điều trị hiệu quả khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp tính là tình trạng trẻ bị tiêu chảy kéo dài từ vài ngày đến khoảng một tuần. Nguyên tắc cơ bản trong điều trị tiêu chảy ở trẻ là bổ sung đủ nước, điện giải và dưỡng chất. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Tài liệu Y học  -