Thông tin Y khoa: Rối loạn di truyền (Tên Tiếng Anh: Genetic disorders)

Bất kỳ một rối loạn nào hoàn toàn hay một phần do một khuyết tật hay các khuyết tật trong chất liệu di truyền ở các tế bào của một người gây ra, tức là, trong các gen, được tạo nên từ ADN (acid deoxyribonucleic) và tạo thành các nhiễm sắc thể ở các tế bào. Nhiều bệnh có nguyên nhân di truyền.

Nhiều rối loạn di truyền bộc lộ ngay ra lúc mới sinh, do đó cũng gọi là các rối loạn hấm sinh. Song, các thuật ngữ di truyền và bẩm sinh là không đồng nghĩa, nhiều khiếm khuyết di truyền vẫn chưa bộc lộ ra nhiều năm sau khi sinh, nhiều bất thường bẩm sinh về nguồn gốc lại không phải là di truyền.

Nhiều người bị một rối loạn di truyền có một hay vài người ruột thịt bị mắc chứng rối loạn đó, tức là, rối loạn này có tính gia đình.

Tuy nhiên, cũng có các trường hợp một đứa bé sinh ra, không ngờ, bị một rối loạn di truyền (nghĩa là không có tiền sử mắc bệnh gia đình). Điều đó có thể xảy ra theo một số cơ chế.

Nguyên nhân và các kiểu rối loạn di truyền

Chất liệu di truyền bất thường có thể dẫn tới các rối loạn hay tật bệnh. Bởi lẽ, các gen trong tế bào kiểm soát sự sản xuất ra các enzym hay các protein khác, chúng đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong các tế bào và toàn bộ cơ thể. Nếu chất liệu di truyền có khuyết tật, các protein bất thường (hay lượng bất thường các protein) có thể được sản xuất ra gây nên nhiều loạn trong các quá trình hóa học của cơ thể dẫn tới bệnh này.

Để một người biểu lộ ra một rối loạn di truyền, thì bất thường trong vật liệu di truyền cần phải hiện diện trong mỗi tế bào của người đó, có nghĩa là, bất thường đó cũng phải hiện hữu trong tế bào trứng hay tế bào tinh trùng (hoặc cả hai) mà từ đó, cá thể sinh ra. Điều đó, có thể xảy ra theo hai cách:

Cách thứ nhất, một trong hai bố mẹ, hoặc cả hai mang một khiếm khuyết trong vật liệu di truyền của mình.

Cách thứ hai, sự đột biến (biến đổi trong chất liệu di truyền) đã xảy ra trong quá trình hình thành tế bào trứng hay tế bào tinh trùng.

Đột biến là một trong những cơ chế mà một đứa bé bị mắc một rối loạn di truyền có thể sinh ra trong một gia đình không hề có tiền sử mắc các rối loạn di truyền.

Ở một số rối loạn di truyền phổ biến hơn, như loạn dưỡng cơ Duchenne, một phần ba số trường hợp là do những đột biến mới. Các rối loạn di truyền được chia làm ba loại chính: các bất thường nhiễm sắc thể, các khiếm khuyết một yếu tố, các khiếm khuyết nhiều yếu tố.

Ở loại thứ nhất, đứa trẻ được sinh ra với số lượng bất thường các nhiễm sắc thể nguyên vẹn (thừa hay thiếu nguyên cả đơn vị thông tin trên nhiễm sắc thể) trong các tế bào. Bởi, các nhiễm sắc thể chứa nhiều gen, nên việc đó dẫn tới nhiều rối loạn và bệnh lý.

Rối loạn một yếu tố là do một gen khiếm khuyết hay một cặp gen khiếm khuyết. Những rối loạn này phân bố trong các thành viên gia đình bị rối loạn di truyền theo các quy luật di truyền tương đối đơn giản.

Rối loạn nhiều yếu tố do tác dụng cộng hợp của vài gen gây ra, cùng các yếu tố môi trường. Cách thức di truyền không đơn giản như kiểu trên.

Các rối loạn một yếu tố

Các rối loạn này ít gặp nhưng có nhiều kiếu rối loạn, tính chung lại, chúng gây ra một tỷ lệ tàn tật đáng kể. Tất cả các rối loạn di truyền một yếu tố là do các khiếm khuyết ở một gen, hay một cặp gen kiểm soát sự sản xuất ra một protein cụ thể. Có thể chia các rối loạn đó thành hai nhóm: các rối loạn có liên quan với giới tính và các rối loạn nhiễm sắc thể thường.

Tùy theo gen hay các gen bị tổn thương nằm ở các nhiễm sắc thể giới tính (hầu như luôn luôn là nhiễm sắc thể X) hay ở bất kỳ một cặp nhiễm sắc thể nào trong số 22 cặp nhiễm sắc thể còn lại, được gọi là nhiễm sắc thể thường (xem Chromosomes - Các nhiễm sắc thể).

Các rối loạn nhiễm sắc thể thường nói chung gây tổn thương cho cả hai giới như nhau và lại được chia tiếp thành hai nhóm là các rối loạn nhiễm sắc thể thường kiểu trội và kiểu lặn. Tùy thuộc vào gen khuyết tật cần hiện hữu với lượng đơn hay lượng đôi mới biểu lộ được bất thường ra ngoài.

Các rối loạn có liên quan với giới tính biểu hiện sự thiên lệch về tần số rối loạn giữa hai giới. Đa số các rối loạn thuộc về một kiểu, là các rối loạn kiểu lặn có liên quan với nhiễm sắc thể X. Chủ yếu, gây tổn thương cho nam giới.

Các rối loạn nhiễm sắc thể thường kiểu trội.

Nếu bị các rối loạn này, người bệnh mang gen khiếm khuyết chỉ với lượng đơn là đủ để thẻ hiện ảnh hưởng ra bên ngoài. Các cá thể như vậy, được gọi là các dị hợp tử đối với gen đó. Có nghĩa là, các cá thể này mang một bản sao bình thường và một bản sao khiếm khuyết của gen đó.

Do gen khiếm khuyết là trội, tức là nó lấn át được gen bình thường, nên sự hiện diện của nó dẫn tới bất thường bộc lộ ra bên ngoài (nhưng không phải là luôn luôn bất thường nghiêm trọng).

Một số người bị rối loạn di truyền đó đã được chuyển gen khiếm khuyết từ một người trong số hai bố mẹ họ.

Ở các trường hợp khác, rồi loạn không có tiền sử gia đình khiếm khuyết thường nảy sinh ra do một đột biến. Nếu một cá thể bị rối loạn di truyền sinh con thì một đứa con có xác suất 50% bị truyền gen khiếm khuyết và bị mắc rối loạn di truyền. Thông thường, những rối loạn này xuất hiện ở mỗi thế hệ trong số vài thế hệ, cuối cùng sẽ biến mất khi các cá thể bị mắc rối loạn trong một thế hệ sinh ra những đứa con không bị rối loạn di truyền hay hoàn toàn không sinh con cái.

Các rối loạn nhiễm sắc thể thường kiểu lặn

Những người biểu lộ các rối loạn này, là do nhận được gen khuyết tật với một lượng gấp đôi, được gọi là các đồng hợp tử đối với gen khiếm khuyết.

Đa phần, cả bố lẫn mẹ người bị mắc rối loạn đều là người dị hợp tử, họ mang gen khuyết tật với lượng đơn kèm một gen bình thường. Song, do gen khiếm khuyết là lặn và "bị che" bởi gen bình thường, nên bố mẹ không có bất thường biểu lộ ra bên ngoài.

Đối với tất cả các khuyết tật kiểu lặn nhiễm sắc thể thường, số người mang gen khuyết tật trong dân cư luôn lớn hơn số người thực tế bị rối loạn di truyền đó. Ví dụ như, đối với bệnh xơ nang tuyến (rối loạn phổ biến nhất trong kiểu rối loạn di truyền này), cứ 22 người trong cộng đồng, có một người mang gen khiếm khuyết. Nhưng, chỉ có một người trong số 2.000 trẻ sinh ra là bị rối loạn đó.

Đa số người mang gen khiếm khuyết không ý thức được thực tế đó và không có tiền sử gia đình về rối loạn di truyền này. Gen khiếm khuyết đã được truyền thầm lặng qua nhiều thế hệ. Khi hai người mang gen này có con với nhau, thì con sinh ra bị rối loạn kiểu lặn nhiễm sắc thể thường, biểu lộ khiếm khuyết xảy ra lại là một điều hoàn toàn bất ngờ.

Do cả bố mẹ mang gen khiếm khuyết, bất kỳ một đứa con nào của họ cũng sẽ có xác suất một phần tư bị mắc rối loạn.

Các rối loạn liên quan với nhiễm sắc thể X kiểu lặn

Ở các rối loạn này, gen khiếm khuyết nằm trên nhiễm sắc thể X. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X trong tế bào của họ. Đàn ông chỉ có một nhiễm sắc thể X. Họ được truyền nhiễm sắc thể này từ người mẹ, lại truyền tiếp cho con gái của mình.

Khi một người phụ nữ được truyền gen khiếm khuyết với lượng đơn, ảnh hưởng của gen này bị che bởi gen bình thường nằm trên nhiễm sắc thể X kia, bởi gen khiếm khuyết này là gen lặn, người phụ nữ không có bất thường biểu lộ ra ngoài. Người phụ nữ đó là người dị hợp tử mang gen khiếm khuyết.

Song, khi người đàn ông được truyền gen khiếm khuyết thì không có gen bình thường trên nhiễm sắc thể X thứ hai để che gen khiếm khuyết, nên người đàn ông đó sẽ bộc lộ bất thường ra ngoài.

Mô hình gia đình bị các rối loạn này như sau: những người đàn ông bị mắc rối loạn này với số lượng trội hơn rất nhiều so với những phụ nữ bị mắc rối loạn. Trong tất cả mọi trường hợp, những người đàn ông được truyền gen khiếm khuyết di truyền từ mẹ mình (người mang gen khiếm khuyết).

Những người đàn ông không truyền gen khiếm khuyết cho con trai họ mà lại truyền cho tất cả con gái họ. Những người con gái này lại trở thành người mang gen khiếm khuyết. Phụ nữ mang gen khiếm khuyết truyền gen này cho một nửa số con trai (những người con này sẽ mắc bệnh) và một nửa số con gái của họ (những người con này sẽ trở thành người mang gen khiếm khuyết).

Kiểu rối loạn di truyền này không thể do người đàn ông không mắc bệnh truyền. Như vậy, mô hình trên chỉ dành cho một số nhất định những người đàn ông trong gia đình bị mắc rối loạn di truyền. Còn, những phụ nữ trong gia đình hoặc là người mang gen khiếm khuyết chắc chắn hay có thể mang gen khiếm khuyết.

Các rối loạn nhiều yếu tố

Phần đông các rối loạn rơi vào loại này, gồm bệnh hen, đái tháo đường phụ thuộc Insulin, tâm thần phân liệt và một số rối loạn bẩm sinh như tật bàn chân vẹo, sứt môi, hở hàm ếch.

Trong mỗi trường hợp, khả năng mắc bệnh được cho là do một số gen khác nhau quyết định. Các gen này có ảnh hưởng cộng hợp cùng với ảnh hưởng của môi trường.

Khả năng di truyền là từ chỉ mức độ quyết định của gen đối với khả năng mắc một rối loạn di truyền nào đó.

Những gia đình bị mắc: không thể điều trị nguyên nhân gây ra các rối loạn di truyền (những khiếm khuyết ở các gen). Tuy nhiên, có một số phương pháp có thế làm giảm nguy cơ sinh ra một đứa trẻ bị rối loạn di truyền.

Nếu một cặp vợ chồng đang cân nhắc việc sinh con và nếu như có một trong những đứa con hay người nào đó trong bố mẹ hay những người ruột thịt cùng huyết thống bị một rối loạn di truyền thì đôi vợ chồng đó nên xin ý kiến tư vấn di truyền. Điều này là đặc biệt quan trọng nếu cặp vợ chồng đó đã có một đứa con bị rối loạn di truyền.

Có thể cân nhắc các giải pháp một khi cơ cấu di truyền của bản thân cặp vợ chồng đã được xác định, bao gồm, xét nghiệm phôi vào giai đoạn đầu của quá trình mang thai và chấm dứt thai kỳ nếu phát hiện có rối loạn di truyền.

Giải pháp khác là thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó, các xét nghiệm được tiến hành trên phôi trước khi cấy phôi, có thể sử dụng trứng hay tinh trùng của người cho. Việc điều trị rối loạn di truyền bằng các kỹ thuật như liệu pháp thay thế enzym hay ghép tủy xương, đang ngày một đạt được những tiến bộ vững chắc.

Tài liệu và thông tin trong bài viết này được trích dẫn từ cuốn Từ điển Bách khoa Y học Anh Việt A-Z mà tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ biên.

Tin khác

Thông tin y khoa: Ung thư vòm họng (tên tiếng Anh: Pharyngeal cancer)

Thông tin y khoa: Ung thư vòm họng (tên tiếng Anh: Pharyngeal cancer)

Ung thư họng có các khối u ở ty hầu, phần trên cùng của họng, có nguyên nhân và triệu chứng khác với khối u xuất hiện ở vị trí khác trong họng

Từ điển Y khoa  - 
Thông tin Y khoa: Bàng quang (Tên Tiếng Anh: Bladder)

Thông tin Y khoa: Bàng quang (Tên Tiếng Anh: Bladder)

Một cơ quan rỗng, dạng cơ ở phần dưới khoang bụng hoạt động như một khoang chứa nước tiểu.

Từ điển Y khoa  - 
Thông tin Y khoa: Chứng co quắp mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharospasm)

Thông tin Y khoa: Chứng co quắp mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharospasm)

Co không chủ ý, kéo dài ở một trong các cơ điều khiển mi mắt, khiến mắt nhắm lại.

Mắt  - 
Thông tin Y khoa: Khối u bàng quang (Tên Tiếng Anh: Bladder tumours)

Thông tin Y khoa: Khối u bàng quang (Tên Tiếng Anh: Bladder tumours)

Khối u phát triển từ niêm mạc bàng quang.

Nội nội tổng hợp  - 
Thông tin Y khoa: Phẫu thuật tạo hình mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharoplasty)

Thông tin Y khoa: Phẫu thuật tạo hình mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharoplasty)

Giải phẫu thẩm mỹ để lấy bớt da nhăn nheo ở mi trên và/hoặc mi dưới.

Mắt  - 
Thông tin Y khoa: Viêm mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharitis)

Thông tin Y khoa: Viêm mi mắt (Tên Tiếng Anh: Blepharitis)

Viêm mi mắt với da ở phần bờ mi đỏ, ngứa và có vảy. Bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát và khó chịu ở mắt và cứng mi. Đôi khi, bề mặt của mắt cũng có thể bị viêm và đỏ.

Mắt  -