Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Chấn thương đụng dập có thể gây tăng nhãn áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Mắt bị chấn thương có nhãn áp cao trên 24mmHg (theo nhãn áp Maclakov). Tăng nhãn áp có thể gây tổn hại thị thần kinh không có khả năng hồi phục, lõm đĩa thị, thu hẹp thị trường.
Nguyên nhân của bệnh tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập
Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập có thể xuất hiện cấp tính, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn, mãn tính.
- Viêm màng bồ đào sau chấn thương đụng dập.
- Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết dich kính, nội nhãn.
- Sa lệch thể thủy tinh, đặc biết sa thể thủy tinh ra tiền phòng gây tăng nhãn áp cấp tính, dịch kính ở tiền phòng, nghẽn đồng tử.
- Tổn thương góc tiền phòng: lùi góc tiền phòng, chấn thương vùng bè, rách vùng bè, rách thể mi.
- Tắc nghẽn vùng bè do tế bào máu, tế bào viêm, chất thể thủy tinh, dịch kính.
- Tăng nhãn áp muộn xuất hiện sau một thời gian bị chấn thương đã lâu do dính ở chu biên, dính đồng tử, lệch thể thủy tinh, dịch kính ở tiền phòng, viêm mạn tính.
> Lồi mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập
a. Lâm sàng:
- Triệu chứng cơ năng
Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập có thể xuất hiện sớm hoặc muộn ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian. Các triệu chứng có khi xuất hiện không điển hình (phụ thuộc vào từng bệnh nhân).
+ Đau nhức mắt, có thể đau nửa đầu cùng bên.
+ Buồn nôn, nôn.
+ Nhãn áp trên 24 mmHg (Maclakov - quả cân 10 gr).
+ Giảm thị lực.
- Triệu chứng thực thể:
+ Cương tụ rìa.
+ Phù giác mạc.
+ Đồng tử thường giãn.
+ Các tổn thương phối hợp thường gặp:
● Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết nội nhãn.
● Sa lệch thể thủy tinh, rung rinh mống mắt, đứt chân mống mắt, có thể có nghẽn đồng tử.
b. Cận lâm sàng
- Khám OCT phần sau nhãn cầu, đánh giá tổn thương thị thần kinh, OCT phần trước nhãn cầu đánh giá thể thủy tinh, tiền phòng, mống mắt.
- Khám siêu âm: đánh giá dịch kính, võng mạc, hốc mắt.
- Khám siêu âm sinh hiển vi (UBM) có thể đánh giá các tổn thương như lệch thể thủytinh, đứt dây Zinn...
- Tổn thương góc tiền phòng: góc đóng hoặc lùi góc, dính góc...
- Tăng nhãn áp đã lâu có thể thấy: thu hẹp thị trường, lõm đĩa rộng.
c. Chẩn đoán xác định
- Tiền sử có chấn thương mắt.
- Căn cứ vào khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm đo nhãn áp, đo thị trường.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Glôcôm nguyên phát
- Tăng nhãn áp do các nguyên nhân khác: glôcôm thứ phát do Coctison, do đái tháo đường...
Điều trị bệnh tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập
a. Nguyên tắc chung
- Phải điều trị nội khoa trước tiên, nếu nhãn áp không điều chỉnh sau một thời gian thì cân nhắc phẫu thuật. Không được chỉ đinh phẫu thuật sớm ngay sau khi bị chấn thương để hạ nhãn áp khi chưa điều trị nội khoa, trừ khi có sa thể thủy tinh ra tiền phòng.
- Tìm nguyên nhân gây tăng nhãn áp để điều trị.
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
- chống viêm, tiêu máu, hạ nhãn áp, giảm phù, an thần.
+ Chống viêm:
● Tại chỗ: tra mắt: dung dịch steroid, thuốc chống viêm không steroid.
● Toàn thân: prednisolon 1mg/1kg cân nặng/ ngày.
+ Tiêu máu: điều trị theo phác đồ điều trị xuất huyết tiền phòng và xuất huyết nội nhãn (xem bài Xuất huyết tiền phòng, nội nhãn sau chấn thương).
+ Thuốc hạ nhãn áp:
● Tra thuốc ức chế beta.
● Trong trường hợp tăng nhãn áp muộn (sau chấn thương 1 tháng) có thể dùng thuốc nhóm Prostagladin.
Nếu nhãn áp không điều chỉnh bằng thuốc tra: có thể uống Acetazolamid 0,25g x 2 viên / ngày và phối hợp điều trị với thuốc chống rối loạn điện giải (Kaleorid 0,6g: 1- 2 viên / ngày).
Trong quá trình điều trị cần theo dõi đo nhãn áp để kiểm tra.
● Giảm phù: Tra nước muối 5% 4 lần/ngày. Uống thuốc giảm phù (Alphachoay 2 viên/ngày).
● Tăng sức đề kháng và dinh dưỡng.
● An thần giảm đau.
Tiến triển và biến chứng của bệnh
- Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng dập là bệnh cảnh có cơ chế phức tạp do cùng một lúc gây nên bởi nhiều tổn thương phối hợp, vì vậy cần phải theo dõi sát sao và điều tri thuốc hoặc phẫu thuật khi có chỉ định. Thị lực thường giảm nhiều do kèm theo các tổn thương phối hợp.
- Có khi phải phẫu thuật nhiều lần: lỗ dò, quang đông, đặt van dẫn lưu.
- Biến chứng:
+ Teo thị thần kinh
+ Đau nhức mắt
+ Giãn lồi củng mạc.
+ Mất chức năng.
Phòng bệnh
- Tuyên truyền giáo dục cho người dân biết cách phòng chấn thương mắt, đặc biệt đối với các cháu học sinh
- Cần khám định kỳ kiểm tra theo dõi nhãn áp trên bệnh nhân có tiền sử chấn thương, tiền sử tăng nhãn áp sau chấn thương, lùi góc tiền phòng sau chấn thương, để kịp thời điều trị trước khi xảy ra các biến chứng không còn khả năng điều trị như loạn dưỡng giác mạc, lõm đĩa rộng, mất chức năng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Việt Nga (1999), “Nghiên cứu về tăng nhãn áp sau sa lệch thể thủy tinh do chấn thương đụng dập và các biện pháp điều trị”, Luận văn Thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Thu Yên, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Văn Đàm (2012), “Chấn thương đụng dập nhãn cầu”, Nhãn khoa, tập 2, Nhà xuất bản Y học, Đỗ Như Hơn chủ biên, tr. 341- 352.
3. Albert and Jacobie (2008). “Trauma”, edited by Mieler WF, Haripasad SM in “Principles and practice of ophthalmology”, pp. 5069-5221.
4. Banta JT, Moore KJ ( 2007), “Ocular trauma. Saunder Elsvier.
5. Campbell DG (1982), “Ghost cell glaucoma following trauma”. Ophthalmology; 89 (3), pp. 227-230.
6. Eugene Milder, Kimberly David (2008). Ocular trauma and Glaucoma, International ophthalmology clinics , Lippincott Williams & Wilkins, Vol 48, Nº 4, pp. 47-64.
7. Girkin CA, McGwin G Jr, Long C, Morris R, Kuhn F.(2005),
8. “Glaucoma after ocular contusion: a cohort study of the United States Eye Injury Registry”. J Glaucoma. Dec 14 (6) pp. 470-473.
9. Kuhn F (2008), “Posttraumatic glaucoma”, Ocular traumatology, Edit by Kuhn F, Springer Publishers, pp. 437- 451.
10. Manner T, Salmon JF, Barron A et al (2001), “Trabeculectomy with Mitomycin C in the treatment of posttraumatic angle recession glaucoma”, Br.J. Ophthalmol, 185, pp. 159- 163.
11. Ramanjit Sihota, Sunil Kumar et al (2008), “Early Predictors of Traumatic Glaucoma After Closed Globe InjuryTrabecular Pigmentation, Widened Angle Recess, and Higher Baseline Intraocular Pressure” , Arch Ophthalmol. 126(7) pp. 921-926.
(Nguồn tài liệu: "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt" ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015)
Tin khác
Xử trí, điều trị và tiên lượng bệnh nhồi máu não
Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, cấp cứu 115 nên nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân an toàn đến cơ sở y tế được trang bị máy chụp CT sọ não và có khả năng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để đem lại cho bệnh nhân đột quỵ cơ hội tốt nhất.
Những điều cần biết về bệnh nhồi máu não
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính (acute ischemic stroke) hay còn gọi là nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não làm mất chức năng thần kinh tương ứng.
Những điều cần biết về đột quỵ não
Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hay tai biến mạch não) có hai thể lâm sàng chính: đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tỉnh được đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não, dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng. Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là nhồi máu não (NMN) phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não (XHN) mà nguyên nhân là do nứt vỡ các động mạch trong não.
Chẩn đoán và điều trị động kinh hiện nay tại Việt Nam
Động kinh là tình trạng bệnh lý cũng thường gặp với tỷ lệ bệnh mới là 4,4/100.000 dân/năm (7) và tỷ lệ bệnh toàn bộ là 4,4/1000 dân (8). Động kinh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tim bẩm sinh Ebstein: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Tim bẩm sinh Ebstein là một bất thường tim bẩm sinh hiếm gặp liên quan đến van ba lá và tâm thất phải. Nguyên nhân do van ba lá phát triển không đúng cách trong 8 tuần đầu ở quá trình phát triển thai nhi, điều trị tim bẩm sinh Ebstein cũng rất phức tạp.
Kiến thức cần biết về bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (infective endocarditis – VNTMNK) ít gặp ở trẻ em hơn người lớn, mặc dù tỷ lệ mắc ở trẻ em đang ngày một gia tăng do bệnh nhân tim bẩm sinh hiện có đời sống kéo dài hơn.