PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra cảnh báo về cơn tăng huyết áp
Thời tiết thay đổi, các bác sĩ tim mạch liên tục nhận được những cuộc gọi khẩn cấp về các cơn tăng huyết áp. Đây là một trong những cấp cứu nội khoa phổ biến nhất, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên trở lên. Xử lý đúng cách có thể giúp kiểm soát tình trạng này, nhưng nếu sai sót, hậu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp...
Chúng tôi xin đăng tải chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, về những cảnh báo và cách xử lý các cơn tăng huyết áp:
Thời tiết thay đổi những bác sĩ tim mạch như tôi càng nhận được nhiều cuộc gọi khẩn cấp về các cơn tăng huyết áp. Đây là một cấp cứu hay gặp nhất về nội khoa ở lứa tuổi trung niên trở lên. Xử lý cũng tương đối đơn giản nhưng nếu làm không đúng cũng có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp…

Tôi xin chia sẻ một số thông tin hy vọng là hữu dụng.
- Nếu huyết áp tăng cao kém theo các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, khó thở, đau ngực hoặc thay đổi thị lực... phải nghĩ tới một trường hợp khẩn cấp về tăng huyết áp. Đây là cấp cứu nội khoa cần nhập viện.
- Nếu chỉ có con số huyết áp cao chúng ta gọi là cơn tăng huyết áp - chủ đề chính hôm nay.
Nếu con số vượt quá 180/120 câu trả lời rõ ràng là cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế: Gọi xe cứu thương hoặc đến bệnh viện gần nhất. Nếu có bác sĩ gia đình việc liên hệ nhận các hướng dẫn là rất cần thiết, đừng ngần ngại nhấc điện thoại gọi dù là giữa đêm...
Nếu con số dưới 180 tâm thu và 120 tâm trương mà không hề có triệu chứng gì, chúng ta sẽ làm gì?
1. Giữ bình tĩnh: Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Căng thẳng có thể làm tình trạng tăng huyết áp trở nên trầm trọng hơn. Ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái.
2. Đo lại huyết áp sau 5 phút, nếu huyết áp đã hạ dù chỉ 5mmHg hãy bình tĩnh đợi thêm 15 phút nữa để đo lại. Đừng đo liên tục vì sẽ gây căng thẳng khiến huyết áp lại càng tăng thêm.
3. Khi nào dùng thêm thuốc: sẽ chỉ sử dụng khi sau 15 phút huyết áp không xuống được đặc biệt huyết áp tâm trương. Không có hướng dẫn cụ thể về con số vì liên quan đến cơ địa của từng bệnh nhân. Tôi thường sử dụng công thức lấy số tuổi cộng với 100 là huyết áp tâm thu chúng ta thường chịu đựng được để làm yên lòng những bác bệnh nhân quá lo lắng. Tuy nhiên nếu huyết áp tâm trương vượt quá 100mmHg lại là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cần dùng thuốc thêm hoặc nâng liều thuốc. Lấy ví dụ một bác 70 tuổi, huyết áp thỉnh thoảng lên 168/90 chắc cũng không lo ngại nhiều nếu không có dấu hiệu lâm sàng nhưng huyết áp 150/110 lại rất cần điều chỉnh liều thuốc.
4. Dùng thuốc thêm thế nào. Nếu có đơn hàng ngày, hãy dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ dẫn nhưng có thể uống giờ sớm hơn. Ví dụ như 6h dậy thấy huyết áp tăng cao có thể lấy thuốc sáng uống luôn không cần đợi đến 7h như thông lệ. Không tự dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng mà không hỏi ý kiến bác sĩ của mình. Đặc biệt không dùng những loại thuốc hạ áp mạnh như Adalat, Nifedipin tác dụng nhanh vì lợi bất cập hại. Huyết áp xuống rất nhanh sẽ gây thiếu máu các tạng quan trọng như tim, não, thận ... Các thuốc có thể sử dụng cần bảo đảm nguyên tắc hạ áp từ từ. Nói dễ hiểu chỉ cần giảm áp lực vài mmHg là đã bảo đảm "đường ống không bị vỡ". Vậy nên nếu là bác sĩ gia đình, các đồng nghiệp có thể kê uống thêm ức chế men chuyển, ức chế thụ thể Angiotensin hay lợi tiểu. Nếu giữa đêm không thể tìm đâu ra thuốc chúng ta có thể khuyên bệnh nhân dùng thêm 1/2 liều thuốc vẫn dùng hàng ngày kèm theo thuốc an thần nhẹ để loại trừ nguyên nhân tăng huyết áp do lo lắng quá mức.
5. Làm gì sau khi bị cơn tăng huyết áp phải dùng thêm thuốc? Chắc chắn nên đến khám lại bác sĩ của mình. Nếu chưa dùng thêm hoặc tăng liều thuốc, lúc này chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt tập luyện, đặc biệt chế độ ăn uống, huyết áp sẽ được bình ổn và lời khuyên của tôi lại là đừng đo huyết áp quá nhiều lần mỗi ngày, hãy đo 2 lần sáng - tối, ghi vào quyển sổ hoặc điện thoại để đưa cho bác sĩ xem khi tái khám.
Tin khác
Bệnh u não - căn bệnh nguy hiểm NSƯT Quý Bình mắc phải
U não là một trong những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Kiến thức về ký sinh trùng? 20 loại phổ biến và các giai đoạn phát triển
Ký sinh trùng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người do chúng tác động lên vật chủ theo nhiều cách khác nhau, từ hút dinh dưỡng, gây tổn thương mô, tiết độc tố đến làm suy giảm hệ miễn dịch. Các tác động cơ học và phản xạ như co thắt ruột cũng khiến bệnh do ký sinh trùng trở nên nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Fujifilm tặng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mô hình mô phỏng thực hành nội soi Mikoto
Với cam kết hợp tác triển khai đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa, Fujifilm Việt Nam đã trao tặng mô hình mô phỏng thực hành nội soi đại tràng Mikoto cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Người nổi tiếng đối mặt với chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) như thế nào?
Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm nhiều triệu chứng dai dẳng như khó tập trung, hiếu động quá mức và hành vi bốc đồng.
Kiến thức về bệnh cúm mùa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Bệnh cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.