Những điều cần biết về vàng da ứ mật ở trẻ em
Vàng da ứ mật (VDUM) là một bệnh phức tạp biểu hiện bởi nồng độ bilirubin cao trong máu trẻ sơ sinh với tần suất xuất hiện là 1/2500 trẻ được sinh ra. Nhìn chung, biểu hiện vàng da sinh lý hầu hết ở dạng lành tính và trẻ sẽ hết vàng da sau 2 tuần đầu đời.
Bệnh ứ mật ở trẻ sơ sinh biểu hiện hiện tượng vàng da sau khi sinh và tiếp tục phát triển vài tháng sau đó. Nguyên nhân là do bất thường về cấu trúc ở phần trong gan hoặc ngoài gan, hậu quả dẫn tới sự tắc nghẽn dòng vận chuyển axit mật hoặc sự hình thành axit mật. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh ứ mật trong đó bệnh viêm gan tự phát sơ sinh (idiopathic neonatal hepatitis) và teo mật bẩm sinh (biliary atresia) là những nguyên nhân chủ yếu, chiếm khoảng 26% cho mỗi loại bệnh.
Ở Việt Nam, bệnh viêm gan tự phát sơ sinh, teo mật bẩm sinh và nhiễm virus cytomegalovirus là những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh VDUM với tỉ lệ là 29,1%, 25,9% và 19,1%. Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán, đặc biệt là sự ra đời của công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS), nguyên nhân gây bệnh cụ thể của VDUM đã được làm sáng tỏ hơn trong những năm gần đây. Tỷ lệ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan tự phát sơ sinh đã giảm đáng kể.
> Các nguyên nhân gây vàng da ứ mật ở trẻ em
Sau bệnh teo mật bẩm sinh, thì bệnh u nang ống mật chủ (choledochal cyst) hay là bệnh tắc nghẽn vùng gan ngoài chiếm 25% các ca VDUM và được đánh giá là một trong những nguyên nhân của bệnh VDUM ở trẻ sơ sinh đòi hỏi sự can thiệp của phẫu thuật. Do vậy, việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh VDUM là rất quan trọng bởi vì khi xác định rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể đưa ra các liệu pháp can thiệp phù hợp, kịp thời để có hiệu quả tốt hơn đặc biệt với những bệnh đòi hỏi phẫu thuật như teo mật bẩm sinh và u nang ống mật chủ.
Theo y văn thế giới, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát triển bệnh VDUM bao gồm nhiễm viêm nhiễm, rối loạn chuyển hoá, bất thường về gen, nhiễm độc và tự miễn. Viêm nhiễm bao gồm nhiễm vi khuẩn, protozoa và virus. Trong đó, virút cytomegalovirus là một yếu tố hàng đầu.
Rối loạn chuyển hoá bao gồm chứng thiếu hụt enzym phân huỷ galacto (galactosemia), tyrosinemia loại I, rối loạn chuyển hoá axit mật. Các rối loạn chuyển hóa lipid như bệnh Wolman, Neimann Pick và Gaucher cũng là nguyên nhân gây bệnh. Các rối loạn này là do đột biến các gen mã hoá cho các enzyme tham gia vào quá trình trao đổi chất/chuyển hoá axit mật và lipid.
Trên thực tế, các rối loạn di truyền đơn gen chiếm khoảng 25% nguyên nhân. Cho tới nay, có hàng chục gen đã được phát hiện gây bệnh VDUM. Ví dụ, các đột biến trên gen ABCB11, gen đóng vai trò vào quá trình hình thành mật, gây ra bệnh ứ mật trong gan tiến triển có tính gia đình loại II (Progressive familial intrahepatic cholestasis type II). Bệnh này chiếm từ 10-15% ca VDUM ở trẻ sơ sinh và chiếm tỉ lệ tương tự cho các ca phải ghép gan ở trẻ em.
Đột biến ở gen ATP8B1, gen mã hoá cho protein FIC1, gây ra bệnh bệnh ứ mật trong gan tiến triển có tính gia đình loại I hay là bệnh Byler. Bất thường ở gen ABCB4 và TJP2 dẫn đến sự suy giảm khả năng tiết phospholipid mật và làm hỏng quá trình định vị protein.
Tóm lại, VDUM là một bệnh phức hợp với nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Các quan sát cho thấy tần suất xuất hiện bệnh tăng cao ở các vùng và chủng tộc như ở Đông Nam Á và khu vực Nam Đảo Thái Bình Dương. Như vậy, di truyền và yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Vàng da ứ mật là hội chứng do nhiều nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa, lưu thông hoặc bài tiết dịch mật. Khi phát hiện vàng da sơ sinh trước tiên cần phân biệt vàng da là do tăng bilirubin trực tiếp hay gián tiếp trên lâm sàng và xét nghiệm. Nếu chẩn đoán xác định là tăng bilirubin trực tiếp gây vàng da tắc mật thì nên nghĩ tới bệnh về gan và đường mật. Đối với biểu hiện vàng da sạm, phân trắng, gan to và dị dạng đường mật bẩm sinh thì trẻ sẽ được điều trị ngoại khoa. Trường hợp vàng da, gan to, phân nước tiểu vàng thẫm, có nhiễm khuẩn, là biểu hiện của viêm gan thì sẽ được điều trị đặc hiệu.
*Bài viết được viết bởi TS. Trần Trung Kiên - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec, link gốc: https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/benh-vang-da-u-mat-o-tre-em-vi
Tin khác
Viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm màng bồ đào cấp tính ở trẻ em là tình trạng viêm cấp của màng bồ đào (MBĐ), có thể xảy ra ở MBĐ trước, MBĐ trung gian, MBĐ sau hoặc toàn bộ MBĐ.
Viêm loét giác mạc do amip (acanthamoeba): Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Loét giác mạc do acanthamoeba là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc do acanthamoeba.
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính - Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính là hình thái dị ứng nhanh của viêm kết mạc dị ứng khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên.
Kiến thức về bệnh sốt rét ở trẻ em
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do kí sinh trùng Plasmodium gây nên, lây truyền theo đường máu. Bệnh lưu hành địa phương và có thể gây thành dịch. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi Anopheles.
Trẻ em ăn chay được không?
Ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, chuyển hóa, tiêu hoá, ung thư, ... Với nhiều lợi ích sức khỏe, hiện nay khuynh hướng ăn chay đang ngày càng phổ biến cho mọi độ tuổi từ già đến trẻ, nhiều gia đình chuyển hẳn sang chế độ ăn chay trường và thậm chí cho trẻ em ăn từ bé.
Cẩm nang chăm sóc bé: Ho và cảm cúm (phần 2)
Cảm cúm ở trẻ em là bệnh lý phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, các triệu chứng của cảm cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, khiến nhiều bậc phụ huynh chủ quan trong việc chăm sóc trẻ.