Zona thần kinh ở người già: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Zona thần kinh là bệnh về da, có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi với mức độ biểu hiện bệnh khác nhau. Tuy nhiên theo thống kê, tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất là ở người già
Thông tin chung về bệnh Zona thần kinh
Bệnh Zona có tên tiếng Anh là Shingle, tên y học là Herpes Zoster, trong dân gian thường gọi là bệnh giời leo. Bệnh có các biểu hiện rõ rệt ngoài da như xuất hiện phát ban, hình thành các mụn nước có chứa dịch trong dần dần hóa đục, vỡ ra, khô dần dẫn tới bong tróc. Nếu không chăm sóc kỹ vết thương, trong một số trường hợp có thể để lại sẹo xấu.
Bệnh Zona thần kinh cũng giống như bệnh thủy đậu, đều do virus Varicella zoster (VZV) là nguyên nhân chính. Trước khi gây ra có biểu hiện ngoài da ở bệnh Zona, virus đã tồn tại tiềm tàng ở trong cơ thể từ trước đó (có thể vài tháng hoặc có khi đến cả chục năm), chúng lợi dụng các điều kiện thuận lợi để nhân lên, lan tỏa ra các đầu dây thần kinh cảm giác, truyền đến da rồi làm tổn thương niêm mạc từ đó gây nên bệnh.
Nguyên nhân dẫn tới Zona thần kinh ở người già
Bệnh Zona thần kinh là bệnh nhiễm thứ phát do sự tái hoạt động của VZV từ hạch thần kinh cảm giác tới da. Chính vì thế để chống lại sự mạnh lên của virus thì cơ thể phải có hệ miễn dịch, sức đề kháng đủ khỏe. Tuy nhiên ở người già, sự miễn dịch đối với VZV sẽ giảm dần, cho đến khi không đủ để ức chế siêu vi, VZV sẽ tự hoạt hóa, nhân lên nhiều hơn gây tổn thương hạch, các dây thần kinh và toàn bộ vùng da chịu sự chi phối của các dây thần kinh đó.
Tương tự ở những người có hệ miễn dịch yếu, không đủ sức đề kháng khác như: người bị AIDS, người bị bệnh ác tính, ung thư hoặc đang trong quá trình điều trị ung thư, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch,... VZV cũng sẽ dễ tái hoạt động, thậm chí có thể gây bệnh trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan hơn (Zona lan tỏa).
Zona thần kinh ở người già có các biểu hiện nào ?
Biểu hiện tương tự Zona thần kinh thông thường
Zona thần kinh ở người già cơ bản có các biểu hiện giống như biểu hiện Zona thần kinh nói chung khi đều trải qua các giai đoạn bao gồm: tiền triệu, khởi phát, toàn phát.
Tiền triệu: Đây được xem là thời kỳ virus đang lan truyền dọc dây thần kinh. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát, đau nhói, châm chích từng cơn hoặc liên tục tại một vùng da nhất định.
Khởi phát: khởi đầu là sự xuất hiện của các ban đỏ, dần hình thành mụn nước trên nền hồng ban sau 1 - 2 ngày. Vùng da bị tổn thương hơi nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da.
Toàn phát: trên da bắt đầu lộ rõ ra mụn nước, bọng nước có chứa dịch trong.
Các mụn nước, bọng nước mọc thành từng chùm, từng vùng, dọc theo sự phân bổ của dây thần kinh ngoại biên nên thường chỉ xuất hiện một bên của cơ thể. Theo tiến trình bệnh, sau 1 - 2 tuần mụn nước sẽ khô dần, đóng vảy và bong tróc dần. Bệnh sẽ khỏi nếu không có bị bội nhiễm hoặc không có biến chứng.
Có cảm giác đau thần kinh và hạch bạch huyết các vùng lân cận sưng lên. Trong một số trường hợp hiếm gặp người bệnh có thể xảy ra sự rối loạn cảm giác.
Tuy nhiên, các biểu hiện Zona ở người già có xu hướng chuyển nặng, dễ xảy ra biến chứng hơn.
1. Tổn thương da
Nếu như ở trẻ em, tổn thương da thường ít và có tiến triển nhanh thì ở người cao tuổi, tổn thương sẽ xuất hiện nhiều, trên diện rộng. Các mụn nước to và có chứa nhiều dịch hơn, có hình bầu dục hoặc hình tròn. Các mụn nước có thể xuất huyết, hoại tử da, nhiễm khuẩn, sẹo xấu và kéo dài. Bởi khi già, cơ chế làm lành sẽ giảm, sự sản sinh tế bào, hệ miễn dịch cũng sụt giảm dẫn tới quá trình phục hồi trở nên không mấy hiệu quả.
Ở người cao tuổi, các mụn nước to và có chứa nhiều dịch hơn, có hình bầu dục hoặc hình tròn. Việc tổn thương da lâu dài làm tăng khả năng bị bội nhiễm, nhiễm trùng da.
2. Đau thần kinh
Bệnh Zona thần kinh ở người già đáng chú ý nhất là hiện tượng đau nhức vùng da bị Zona. Ngược lại với người trẻ đau ít, người già thường đau nhiều, đau thành từng cơn, sự đau đó có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, có khi kéo dài hàng năm kể cả khi vùng da đó đã lành. Tỷ lệ đau nhức vùng da sau khi bị Zona ở người già chiếm tới khoảng 1/3 số người già bị mắc bệnh. Nguyên do là bởi VZV gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút thần kinh. Có trường hợp đau thần kinh còn kèm theo đau cơ, đau khớp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Tỷ lệ đau thần kinh sau Zona thần kinh ở người cao tuổi khoảng từ 80 - 85%.
3. Zona lan tỏa
Là hiện tượng có 20 mụn mủ hoặc nhiều hơn xuất hiện ở ngoài vùng dây thần kinh bị nhiễm bệnh. Zona lan tỏa thường xảy ra đối với những người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm và đặc biệt gây ảnh hưởng một số cơ quan nội tạng như: não, phổi, gan, ruột,... Trong nhiều trường hợp có thể để lại biến chứng nặng.
4. Tổn thương mắt
Trường hợp người bệnh bị Zona ở mặt (thuộc vùng phân bố của dây thần kinh sinh ba) sẽ có tình trạng mí mắt sưng, kết mạc sưng huyết. Ở người già, tỉ lệ cao có thể gây viêm, loét giác mạc. Nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tổn thương nội nhãn cầu dẫn tới mù lòa.
5. Một số triệu chứng khác: bị yếu cơ, có cảm giác ớn lạnh... Nhiều trường hợp nặng có thể có biến chứng như viêm não, màng não, viêm tủy, viêm mạch, nhồi máu não,…
Cách điều trị Zona thần kinh ở người già hiệu quả
Zona thần kinh ở người già cũng giống như Zona thần kinh nói chung. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể tiêu diệt hết virus gây bệnh ra khỏi cơ thể mà chỉ có một số cách dùng để hỗ trợ quá trình làm lành vết thương, chống viêm, tiêu sưng, giảm đau đớn và hạn chế khả năng xuất hiện biến chứng.
1. Sử dụng thuốc kháng virus
Người già là một trong những đối tượng "ưa thích" của VZV do hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu giúp chúng có thời cơ để phát triển và gây bệnh. Chính vì thế, những bệnh nhân mắc Zona cần có sự hỗ trợ của thuốc kháng virus để có thể giảm bớt sự phát triển của chúng. Phương pháp sẽ có hiệu quả nhất nếu sử dụng sớm trong vòng 72 giờ đầu tiên.
Trong trường hợp suy giảm miễn dịch hay tổn thương lan rộng, người bệnh cần tiêm tĩnh mạch acyclovir 30mg/kg/ngày, chia 3 lần x 7 ngày hoặc dùng cho đến khi vết thương đóng vảy tiết.
Trong trường hợp có tổn thương mắt: người bệnh cần kết hợp khám chuyên khoa mắt, điều trị acyclovir đường tĩnh mạch.
2. Chăm sóc tại chỗ
Để giảm tình trạng thương tổn nặng ở da dẫn tới bội nhiễm, người bệnh cần làm tốt công tác chăm sóc tại chỗ bằng việc rửa thuốc tím pha loãng 1/ 10.000 hoặc nước muối, bôi dung dịch màu (eosine 2% milian)
3. Thuốc giảm đau
Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể sử dụng thuốc Acetaminophen, kháng viêm không Steroid, thuốc giảm đau ngoại biên kết hợp giảm đau trung ương.
4. Điều trị biến chứng
Bội nhiễm: chăm sóc tại chỗ kết hợp kháng sinh uống phổ rộng hoặc theo kháng sinh đồ.
Đau sau Zona: là tình trạng có khả năng kéo dài, gây khó chịu nên người bệnh cần chú ý chuyển lên tuyến chuyên khoa.
Tổn thương mắt: người bệnh cần đến các trung tâm, cơ sở y tế để được khám ở chuyên khoa mắt để kịp thời phát hiện và điều trị những thương tổn.
5. Tiêm chủng
Vaccin tiêm chủng phòng chống virus zoster đã được khuyến cáo dùng cho đối tượng từ 60 tuổi trở lên bởi Hội đồng chuyên môn Hoa Kỳ cho chương trình tiêm chủng từ năm 2006 và ở Úc từ năm 2009. Vaccin được chỉ định dùng cho người trên 60 tuổi nhưng cũng có thể cân nhắc đối với độ tuổi 50 - 59.
Đây được xem là một trong những biện pháp tốt nhất để ngừa herpes zoster và những biến chứng sau herpes như đau thần kinh.
> Xem thêm một số cách điều trị Zona thần kinh hiệu quả tại đây
Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ
1. "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu" của Bộ Y tế số 75/QĐ - BYT 2015; bạn có thể xem báo cáo tại kcb.vn
2. Giáo trình "Bài giảng Bệnh da liễu" của GS.TS Nguyễn Văn Út - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu của Trường Đại học Y dược TP. HCM; bạn có thể xem chi tiết giáo trình tại giaotrinhpdf.com
3. "Herpes zoster: đặc điểm dịch tễ học, biểu hiện lâm sáng, các cách điều trị và dự phòng" của Tạp chí Nghiên cứu dược và Thông tin thuốc số 3/2013; bạn có thể xem chi tiết đề tài tại canhgiacduoc.org.vn
Tin khác
Cẩm nang chăm sóc bé: Dùng thuốc ở trẻ con
Người ta thường nghĩ rằng trị bệnh là phải dùng thuốc. Nhưng thuốc không phải là yếu tố quyết định số một trong việc chăm lo sức khoẻ cho trẻ con, mà còn có những nguyên tắc và yếu tố khác, nhiều khi quan trọng hơn.
Cẩm nang chăm sóc bé: Cách con ăn dặm
Ăn dặm không có nghĩa là dứt hẳn ngay sữa mẹ, mà vẫn cứ tiếp tục cho bú, làm sao cho khi thôi nôi mà mỗi ngày còn “bú tí mẹ” được khoảng nửa lít thì tốt, kể như cũng được hưởng khoảng 350 Calo trên tổng số 1.100 Calo nhu cầu năng lượng lúc 1 tuổi.
Cẩm nang chăm sóc bé: Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ vô cùng cần thiết cho đứa con của bạn. Loài người cũng như các loài động vật có vú đều nuôi con từ trong bụng mẹ (máu huyết đưa thức ăn và dưỡng khí thông qua cuống nhau nuôi bào thai từng giây từng phút không lúc nào ngơi nghỉ) và sau khi sanh, liền cho bú ngay bằng sữa mẹ...Nhờ đó mà muôn loài đã sinh sôi phát triển và tổn tại hàng triệu năm qua.
Làm sao để mẹ nhiễm HIV sinh con an toàn và khỏe mạnh?
Tại Việt Nam, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đã giảm xuống dưới 5%. Tuy nhiên, để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm, cần thực hiện một quá trình điều trị toàn diện, bắt đầu từ trước khi mang thai cho đến sau khi sinh. Vậy cần bao lâu để xác định chắc chắn rằng em bé không bị nhiễm HIV?
Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.