Ca đẻ trong đó mông đứa bé ra trước chứ không phải đầu.
Vào khoảng tuần thứ 32 của thời kỳ mang thai, phần lớn các đứa bé đã có tư thế nằm chúc đầu xuống trong tử cung, nhưng có từ 3 đến 4 phần trăm lại ngược lại, vị trí đầu đứa bé nằm ở phần cao nhất của tử cung. Thông thường, một trong hai đứa bé sinh đôi sẽ nằm ở vị trí ngược lại. Ở tuần thứ 34 một số bác sĩ sản khoa sẽ cố gắng xoay đứa bé xuống từ vị trí ngôi ngược về vị trí nằm chúc đầu xuống.
Nếu cố gắng này thất bại, đứa bé sẽ cứ ở tư thế như vậy cho đến khi được sinh ra. Một ca đẻ ngôi ngược mang đến thêm nhiều trở ngại cho cả sản phụ và đứa bé, bởi vì phần mông của đứa bé không ra dễ dàng như là trường hợp đầu đứa bé ra trước. Thông thường, cắt tầng sinh môn được thực hiện nhằm đưa đứa bé ra một cách dễ dàng hơn, và kẹp sản khoa được sử dụng phổ biến nhằm đảm bảo đưa đầu đứa bé ra một cách an toàn.
Nếu đứa bé trong ca đẻ ngôi ngược có đầu to hoặc đai chậu của sản phụ bé, có thể lựa chọn phương pháp mổ để trước khi chuyển dạ. Một số bác sĩ sản khoa đề nghị sử dụng mổ đẻ với các trường hợp thai nằm ngược, đặc biệt nếu chân đứa bé ra trước hoặc nếu sản phụ trước đó chưa từng đẻ theo đường âm đạo vì có tăng nguy cơ chấn thương khi sinh. Ở một vài trường hợp khác, việc quyết định dùng phương pháp mổ đẻ dựa trên cơ sở kết quả của các kiểm tra bao gồm chụp hình và kiểm tra nhịp tim thai nhi.
Tài liệu và thông tin trong bài viết này được
trích dẫn từ cuốn Từ điển Bách
khoa Y học Anh Việt A-Z mà tác giả là một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Ngô Gia Hy làm chủ
biên.