Hội chứng Ramsay Hunt - một biến chứng hiếm gặp ở Zona thần kinh
Zona thần kinh là bệnh về da thường gặp với các triệu chứng ngoài da quen thuộc: phát ban, mụn nước, có chứa dịch,... Tuy nhiên nếu như không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng. Một trong số đó có Hội chứng Ramsay Hunt - biến chứng hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.
Hội chứng Ramsay Hunt là hội chứng gì?
Hội chứng Ramsay Hunt là một trong những biến chứng hiếm gặp của bệnh Zona thần kinh, còn được gọi là Zona hạch gối. Chúng xuất hiện do virus Zoster gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến vùng đầu, cổ; gây thương tổn hạch gối của dây thần kinh số VII. Nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng này có thể để lại biến chứng nguy hiểm như tổn thương mắt, đau dây thần kinh, dẫn đến tình trạng liệt trên khuôn mặt.
Ramsay Hunt xuất hiện với các biểu hiện đặc trưng như: liệt dây thần kinh mặt ngoại biên, đi kèm nổi ban đỏ, mụn nước ở tai hoặc ở miệng. Đặc biệt trong một số trường hợp, người bệnh mặc dù có thể mắc hội chứng này nhưng không có các biểu hiện ngoài da.
Hội chứng Ramsay Hunt có ảnh hưởng tới các dây thần kinh, gây ra hiện tượng phát ban, liệt mặt.
Tỷ lệ xuất hiện Hội chứng Ramsay Hunt là bao nhiêu ?
Hội chứng Ramsay Hunt là một trong những biến chứng của Zona thần kinh, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng khá hiếm gặp. Theo thống kê, tỷ lệ mắc hội chứng Ramsay Hunt chỉ khoảng 5/100.000 người. Nữ giới có tỷ lệ mắc Ramsay Hunt cao hơn nhiều so với nam giới.
Cụ thể, hội chứng này hiếm gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi và cũng giống như Zona thần kinh, sẽ có nguy cơ cao ở những người có vấn đề về hệ miễn dịch như: người lớn tuổi (nhất là với những người từ 60 tuổi trở lên), người bị suy yếu hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh.
Hội chứng Ramsay Hunt có những triệu chứng nào ?
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của hội chứng mà người bệnh sẽ gặp các triệu chứng tổn thương thần kinh hoặc triệu chứng ngoài da khác nhau.
Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn này thường từ 3 – 7 ngày trước khi xuất hiện những tổn thương trên da và trên niêm mạc. Người mắc hội chứng Ramsay Hunt có các triệu chứng tương tự bệnh cúm như sốt, mệt mỏi, đau đầu,…
Giai đoạn toàn phát
Đây là lúc virus đã gây nhiễm trùng khu vực hạch gối. Hội chứng có sự xuất hiện của mụn nước, chứa dịch mủ. Chúng tập trung thành từng cụm, gây lở loét ở các vị trí: ống tai ngoài, màng nhĩ, dái tai, bên ngoài tai, 2/3 phía trước của lưỡi theo phân bổ của dây thần kinh số VII và vòm miệng mềm.
Bắt đầu có cảm giác đau nhức tai. Theo thống kê, có tới 37,2% trường hợp mắc Hội chứng Ramsay Hunt sẽ bị đau nhức đến đau dữ dội một bên tai, thính lực bị suy giảm, khả năng nghe kém, ù tai, nhạy cảm với âm thanh tăng lên.
Hội chứng Ramsay Hunt còn gây ảnh hưởng và được biểu hiện ở nhiều tới các cơ quan khác:
Vùng cơ mặt: phần cơ mặt cùng phía với bên tai bị ảnh hưởng sẽ có tình trạng bị liệt, có thể kéo theo nói ngọng, khó có thể biểu cảm. Hội chứng Ramsay Hunt cũng được xác định là nguyên nhân của khoảng 16% trường hợp liệt mặt ở trẻ em và 18% trường hợp liệt mặt ở người lớn.
Mắt: giật nhãn cầu, không nhắm kín được (hở mi), có dấu hiệu Charler Bell.
Vùng họng, vòm họng, cổ: đau họng, khàn tiếng; hạch cổ sưng đỏ, nhức vùng cổ.
Các khu vực niêm mạc vùng mặt ( mắt, miệng, mũi, tai,…) bị khô.
Ngoài ra hội chứng Ramsay Hunt còn có một số triệu chứng đi kèm khác như chóng mặt mỗi khi di chuyển, thay đổi cảm nhận vị giác hoặc mất vị giác,...
Các biến chứng có thể gặp khi mắc Hội chứng Ramsay Hunt
Mặc dù là trường hợp nguy hiểm hiếm gặp của Zona thần kinh, nhưng nếu đảm bảo phát hiện, điều trị kịp thời trong tuần đầu tiên thì đa phần người bệnh sẽ không có biến chứng lâu dài. Tuy nhiên vẫn có 1 số trường hợp đặc biệt, bệnh chuyển nặng, khó kiếm soát, hội chứng Ramsay hunt đã gây những biến chứng có ảnh hưởng lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn.
Mất thính lực vĩnh viễn
Hội chứng chuyển nặng khiến khu vực dây thần kinh tai bị tổn thương nghiêm trọng, làm rối loạn chức năng thần kinh liên quan đến thính giác. Từ đó có thể dẫn tới việc mất thính lực vĩnh viễn.
Cơ mặt bị yếu đi
Tương tự với thần kinh ở tai, VZV cũng có thể tấn công các dây thần kinh làm yếu cơ mặt, có thể khiến một góc miệng của người bệnh bị xệ xuống, gây khó khăn trong việc nhắm mắt, tác động nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp cũng như sinh hoạt ăn uống hằng ngày.
Tổn thương mắt
Việc dây thần kinh bị tác động, kèm theo cơ mặt bị yếu đi đã làm gia tăng tình trạng nhắm mắt không kín, ảnh hưởng tới giác mạc do tuyến lệ giảm tiết nước mắt. Từ đó gây đau mắt, mờ mắt, thậm chí mù lòa.
Điều trị như thế nào khi mắc Hội chứng Ramsay Hunt ?
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp cụ thể để điều trị bệnh Zona nói chung cũng như Hội chứng Ramsay Hunt nói riêng. Mục tiêu của các biện pháp điều trị bây giờ chủ yếu tập trung vào làm liền tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Các phương pháp đều được khuyến khích áp dụng càng sớm càng tốt, tránh tối đa khả năng để lại biến chứng.
Dùng thuốc kháng virus
Đây được xem là phương pháp điều trị quen thuộc của các thể bệnh, các biến chứng của Zona thần kinh. Đối với hội chứng Ramsay Hunt nói riêng, các loại thuốc kháng virus thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định để hỗ trợ điều trị gồm có: , Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir.
Tùy vào tình hình sức khỏe và tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ chẩn đoán, chỉ định liều lượng phù hợp. Tuy nhiên dưới đây là liều lượng phổ biến nhất
Acyclovir: 800mg chia thành 5 lần/ ngày. Duy trì trong 7 ngày.
Valacyclovir: 1g x 3 lần/ ngày. Duy trì trong 7 ngày.
Famciclovir: 500mg chia thành 3 lần/ ngày. Duy trì trong 7 ngày.
Một số loại thuốc khác
Đây là những loại thuốc dùng cho Hội chứng Ramsay Hunt cấp tính
Thuốc Corticosteroid: ức chế hoạt động của hệ miễn dịch với đặc tính kháng viêm.
Thuốc giảm đau nhóm Opioid: là nhóm thuốc giảm đau cực mạch, thường có chứa Morphine (thuốc phiện) nên cần đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh những trường hợp không đáng có.
Các loại thuốc hỗ trợ giảm đau khác: trong trường hợp đau thần kinh diễn biến nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thêm các loại thuốc hỗ trọ giảm đau khác như: thuốc chống động kinh (gabapentin, pregabalin,…); thuốc chống trầm cảm (Pamelor, Amitriptyline, Cymbalta, Effexor XR,…), thuốc ức chế tiền đình; thuốc kháng histamin (meclizine, dimenhydrinate,…)
Bài viết được tham khảo, tổng hợp thông tin và biên soạn lại từ
1. "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu" của Bộ Y tế số 75/QĐ - BYT 2015; bạn có thể xem báo cáo tại kcb.vn
2. "Hội chứng Ramsay Hunt: nguyên nhân và triệu chứng cần biết" của Trung tâm tiêm chủng VNVC; bạn có thể xem chi tiết bài viết tại vnvc.vn
3. "Hội chứng Ramsay Hunt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị " của Nhà thuốc Long Châu; bạn có thể xem chi tiết bài viết tại nhathuoclongchau.com.vn
Tin khác
Những điều cần biết về bệnh sởi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh theo đường hô hấp, gây nên bởi vi rút thuộc họ Paramyxoviridae. Bệnh có thể diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào, có nguy hiểm không?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Những điều cần biết về bệnh cúm thông thường
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh theo đường hô hấp, do vi rút cúm A, B, C, Á cúm gây ra với nhiều subtype khác nhau. Bệnh diễn biến đa dạng từ nhẹ đến nặng, có thể gây thành dịch lớn.
Cách xử lý khi trẻ bị co giật do sốt cao
Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ chủ quan để trẻ bị co giật do sốt cao, thậm chí co giật nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Thông tin Y khoa: Vú căng đau (Tên Tiếng Anh: Breast tenderness)
Đau hoặc nhạy cảm đau kèm theo cảm giác căng tức ở một hoặc cả hai bên vú.
Những điều cần biết về co giật do sốt ở trẻ em
Co giật thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi, các cơn co giật xuất hiện trong quá trình mắc một bệnh cấp tính có sốt, nhưng không phải do nhiễm trùng thần kinh hoặc có các cơn co giật không do sốt trước đó và các dấu hiệu bất thường hệ thần kinh.