Nguồn: Bộ Y tế |  17/07/2024

Những điều cơ bản cần biết về ung thư di căn não: Chẩn đoán và cách điều trị

Khối u di căn vào não thường là khối u nội sọ khá phổ biến ở người lớn, chiếm trên 50% tổng số các loại u não. Đối với bệnh nhân ung thư, di căn não thường gặp từ 10 đến 30% ở người lớn và 6 đến 10% ở trẻ em.

Trước đây, bệnh nhân ung thư bị di căn lên não thường có tiên lượng xấu, tử vong nhanh. Cùng với sự phát triển của phẫu thuật, xạ trị, xạ phẫu và hóa trị nên đã giảm được tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống thêm và nâng cao hơn chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chẩn đoán ung thư di căn não

Các nghiên cứu cho thấy ung thư di căn não xảy ra ở khoảng 10 – 30% bệnh nhân ung thư.

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân đang điều trị bất kỳ khối u ở vị trí nào, có biểu hiện triệu chứng thần kinh hoặc bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh ung thư nhưng biểu hiện đầu tiên là các triệu chứng sọ não gồm:

Đau đầu: xảy ra trong khoảng 40 đến 50% bệnh nhân di căn não. Tỷ lệ càng cao khi di căn đa ổ, kích thước u di căn lớn hoặc di căn não hố sau. Đau đầu cũng tăng lên theo sau các động tác làm tăng áp lực nội sọ như ho, hắt hơi. Đau đầu buổi sáng sớm kinh điển không phổ biến. Các đặc điểm của bệnh nhân đau đầu hướng tới khối u não bao gồm buồn nôn và nôn, sự thay đổi kiểu đau đầu trước đó, khám thấy dấu hiệu thần kinh bất thường và triệu chứng nặng hơn.

Hội chứng tăng áp lực nội sọ: đau đầu, buồn nôn, phù gai thị, rối loạn ý thức...

Dấu hiệu thần kinh khu trú: biểu hiện trong khoảng 20 đến 40% bệnh nhân, gồm liệt vận động, rối loạn cảm giác, liệt dây thần kinh sọ, thất ngôn....

Thay đổi tính cách, hành vi: đây là dấu hiệu kín đáo, bệnh nhân thường hay cáu giận, hay quên... Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách biểu hiện trong 30 đến 35% bệnh nhân.

Động kinh: Cơn động kinh mới khởi phát là triệu chứng biểu hiện trong 10 đến 20% bệnh nhân.

Đột qụy: Khoảng 5 đến 10% biểu hiện đột quỵ cấp gây bởi chảy máu trong khối di căn, tăng đông, xâm lấn hoặc chèn ép động mạch bởi khối u, hoặc huyết khối do tế bào u.

> Kiến thức chính xác, đầy đủ về ung thư thận

Ung thư di căn não xảy ra khi các tế bào ung thư từ một vị trí khác trên cơ thể xâm lấn đến não. Ung thư có thể di căn hoặc lan rộng đến một hoặc nhiều vị trí trong não. 

Triệu chứng cận lâm sàng

Chẩn đoán hình ảnh cung cấp các thông tin hữu ích, tuy nhiên sinh thiết não là cần thiết trong một số trường hợp để chẩn đoán xác định.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)

U di căn não thường ở vùng ranh giới giữa chất xám và chất trắng ở bán cầu đại não, một hay nhiều khối u. Trước tiêm thuốc: Tổn thương thường là khối đồng hay giảm tỷ trọng. Đôi khi có tỷ trọng cao hơn vùng nhu mô não liền kề do chảy máu trong u di căn hoặc lắng đọng calci. Sau tiêm thuốc: Tổn thương ngấm thuốc dạng lốm đốm, dạng nốt hay hình vòng (dạng nhẫn), thường có phù não rộng xung quanh. Một số các trường hợp có hiệu ứng khối với dấu hiệu chèn ép đường giữa và tổ chức lân cận.

Chụp cộng hưởng từ (CHT)

CHT là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị để chẩn đoán di căn não. CHT có độ nhạy cao hơn CT scan sọ não trong tìm kiếm tổn thương ở bệnh nhân có nghi ngờ di căn não và phân biệt di căn não với các tổn thương thần kinh trung ương khác.

Hình ảnh di căn não trên cộng hưởng từ: Trên xung T1, tổn thương đồng hay giảm tín hiệu. Có thể tăng tín hiệu khi có chảy máu trong u di căn ở giai đoạn sớm. Sau tiêm thuốc đối quang từ, thường ngấm thuốc dạng vòng (nhẫn), có thể dạng lốm đốm hay đều. Theo nhiều tác giả, các tổn thương không ngấm thuốc trên MRI rất hiếm khi là di căn. Trên xung T2, FLAIR thường tăng tín hiệu, có dấu hiệu phù não quanh u. Đặc trưng hình ảnh có thể giúp phân biệt di căn não với các tổn thương nội sọ khác bao gồm:

- Sự xuất hiện đa ổ.

- Vị trí ở ranh giới chất trắng và chất xám.

- Bờ rõ.

- Một lượng lớn phù mạch so với kích thước của tổn thương.

Chẩn đoán u nguyên phát và sự lan tràn của khối u

Cần phải thăm khám, xét nghiệm, đánh giá toàn thân để xác định khối ung thư nguyên phát ở vị trí nào di căn lên não, như ung thư phổi, ung thư vú...

Cách điều trị ung thư di căn não

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc cơ bản của điều trị ung thư di căn lên não là kết hợp điều trị tại chỗ (điều trị tổn thương ung thư di căn tại não) và điều trị toàn thân ung thư nguyên phát gây nên di căn não (ung thư phổi, ung thư vú....). Việc điều trị khối u di căn não là cần thiết và nhiều khi là cấp thiết, cần xử lý gấp các dấu hiệu chèn ép, phù não... là nguyên nhân gây tử vong cao, đây là ưu tiên hàng đầu phải xử lý. Tuy nhiên việc điều trị khối u di căn tại não vẫn chỉ là điều trị tại chỗ, chưa phải điều trị căn nguyên, nguy cơ tái phát di căn là rất lớn. Điều trị toàn thân ung thư nguyên phát cần được tiến hành phối hợp với điều trị tại chỗ.

Thái độ điều trị dựa vào các yếu tố sau:

- Loại mô bệnh học và giai đoạn bệnh của u nguyên phát.

- Tình trạng chức năng thần kinh của bệnh nhân.

- Mức độ lan rộng của u nguyên phát.

- Thang điểm tiên lượng bệnh.

Với những bệnh nhân có khối u não chưa xác định được u nguyên phát, thì cần tiến hành sinh thiết khối u não nếu điều kiện bệnh nhân cho phép.

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định

- Phẫu thuật cắt bỏ u với u não đơn độc có hiệu ứng khối.

- Sinh thiết chẩn đoán nếu không có tổn thương nguyên phát ngoài sọ.

- Phẫu thuật triệu chứng.

Mục đích phẫu thuật

- Cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần khối u.

- Sinh thiết u để xác định chẩn đoán mô bệnh học và tìm các đột biến gen nếu có.

Xạ trị khối u não

Là phương pháp điều trị chính trong điều trị các khối u di căn não nhằm kiểm soát tại chỗ khối u di căn và kiểm soát ổ di căn khác chưa phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh. Có 2 phương pháp xạ trị não gồm:

Xạ trị toàn não

Chỉ định

- Di căn não đa ổ (>3ổ).

- Các trường hợp không thể phẫu thuật hoặc xạ phẫu do điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị hoặc có chống chỉ định.

- Bệnh lan tràn, tình trạng toàn thân kém.

Liều xạ trị:

- Liều thường quy: 30Gy trong 10 phân liều (3Gy/ngày x 10 ngày)

- Các kiểu phân liều khác: 20Gy trong 5 phân liều, 37,5Gy trong 15 phân liều, 40Gy trong 20 phân liều.

Xạ phẫu khối u não

Chỉ định:

- U não di căn một hay ≤ 3 ổ. Kích thước u < 5cm.

- Điều trị kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị toàn não.

- Tổn thương còn lại hoặc tái phát sau điều trị: xạ trị toàn não, phẫu thuật, hóa chất.

Liều xạ trị

Tùy theo kích thước khối u: - <2cm:24Gy- 2-3cm: 18Gy- 3-4cm:15Gy

Tuy nhiên, liều xạ trị cụ thể tùy thuộc tình trạng bệnh nhân, vị trí tổn thương, số lượng tổn thương và loại mô bệnh học.

Với bệnh nhân đã xạ trị toàn não trước đó, liều khuyến cáo nên giảm 30%.

Điều trị nội khoa

- Điều trị triệu chứng:

Liệu pháp corticoid: Dùng khi tăng áp lực nội sọ hoặc liệt. Thường dùng dexamethason liều 4mg, liều 4-8 lọ/ngày, tiêm tĩnh mạch. Hoặc sử dụng methylprednisolone 4-16mg, uống ngày 2-4 viên, uống vào 8 giờ sáng sau ăn no. Trong một số trưởng hợp tổn thương phù não nhiều có thể dùng methylprednisolone 40mg, 1-2 lọ/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc pha truyền với 250ml dung dịch NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch. Có thể sử dụng synacthene 1mg tiêm bắp, mỗi lần 1 lọ, tuần 1-2 lọ. Cần giảm liều corticoid dần dần trước khi dừng.

Chống động kinh: không điều trị dự phòng nếu không có cơn. Thuốc thường dùng depakine 500mg uống ngày 1- 3 viên hoặc tegretol 200mg ngày 1-2 viên tùy theo đáp ứng của người bệnh mà lựa chọn liều duy trì phù hợp.

Phục hồi chức năng: tập vận động, lời nói.

Điều trị giảm đau: khi bệnh nhân có triệu chứng đau đầu hoặc đau các vị trí khác (tham khảo phác đồ chi tiết bài đau do ung thư).

- Hóa trị (điều trị toàn thân)

Chỉ định: Điều trị toàn thân cho các khối u nguyên phát và cả tổn thương di căn não. Điều trị toàn thân có thể là hóa trị, điều trị đích, miễn dịch, nội tiết...Việc điều trị này được thực hiện theo phác đồ điều trị toàn thân của khối u nguyên phát kết hợp (tham khảo phác đồ chi tiết của các loại ung thư nguyên phát) với các phương pháp điều trị tại chỗ khối u di căn não.

(Nguồn tài liệu: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu - Ban hành kèm theo Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 1 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chủ biên: PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - GS.TS. Mai Trọng Khoa.

Thành viên biên soạn và góp ý: GS.TS. Mai Trọng Khoa; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê; TS. Phạm Xuân Dũng; PGS.TS. Trần Đình Hà; PGS.TS. Phạm Cẩm Phương; TS. Phạm Văn Thái; TS. Nguyễn Quang Hùng; TS. Nguyễn Thị Thái Hòa; PGS.TS. Vũ Hồng Thăng; TS. Đỗ Anh Tú; TS. Trần Văn Công; BSCKII. Hoàng Thị Mai Hiền; TS. Lê Tuấn Anh; TS. Trần Hải Bình; TS. Vũ Hữu Khiêm; ThS. Vương Ngọc Dương; ThS. Trần Ngọc Hải; ThS. Nguyễn Thanh Hùng; TS. Vương Ánh Dương; ThS. Trương Lê Vân Ngọc.)

Tin khác

Bệnh u não - căn bệnh nguy hiểm NSƯT Quý Bình mắc phải

Bệnh u não - căn bệnh nguy hiểm NSƯT Quý Bình mắc phải

U não là một trong những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Sự kiện Y Khoa  - 
Kiến thức về ký sinh trùng? 20 loại phổ biến và các giai đoạn phát triển

Kiến thức về ký sinh trùng? 20 loại phổ biến và các giai đoạn phát triển

Ký sinh trùng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người do chúng tác động lên vật chủ theo nhiều cách khác nhau, từ hút dinh dưỡng, gây tổn thương mô, tiết độc tố đến làm suy giảm hệ miễn dịch. Các tác động cơ học và phản xạ như co thắt ruột cũng khiến bệnh do ký sinh trùng trở nên nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Sự kiện Y Khoa  - 
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra cảnh báo về cơn tăng huyết áp

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra cảnh báo về cơn tăng huyết áp

Thời tiết thay đổi, các bác sĩ tim mạch liên tục nhận được những cuộc gọi khẩn cấp về các cơn tăng huyết áp. Đây là một trong những cấp cứu nội khoa phổ biến nhất, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên trở lên. Xử lý đúng cách có thể giúp kiểm soát tình trạng này, nhưng nếu sai sót, hậu quả có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp...

Sự kiện Y Khoa  - 
Fujifilm tặng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mô hình mô phỏng thực hành nội soi Mikoto

Fujifilm tặng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mô hình mô phỏng thực hành nội soi Mikoto

Với cam kết hợp tác triển khai đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa, Fujifilm Việt Nam đã trao tặng mô hình mô phỏng thực hành nội soi đại tràng Mikoto cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Sự kiện Y Khoa  - 
Người nổi tiếng đối mặt với chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) như thế nào?

Người nổi tiếng đối mặt với chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) như thế nào?

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em và có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành. ADHD bao gồm nhiều triệu chứng dai dẳng như khó tập trung, hiếu động quá mức và hành vi bốc đồng.

Sự kiện Y Khoa  - 
Kiến thức về bệnh cúm mùa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Kiến thức về bệnh cúm mùa: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Bệnh cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.

Sự kiện Y Khoa  -